Quảng Trị: Ông Chủ tịch nhặt rác biến ra "đồ chơi" đáng tiền, có cả tác phẩm cầu Vàng Đà Nẵng

Hồng Nhạn (Hội ND tỉnh Quảng Trị) Chủ nhật, ngày 26/07/2020 15:35 PM (GMT+7)
Đó là anh Bùi Quang Miêng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã tái chế lại rác thải thành những sản phẩm độc đáo và có ích, góp phần vào làm sạch môi trường sống và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, trong số này có cả hòn non bộ mang mô hình cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Bình luận 0

Anh Miêng cho biết, nhà anh cách bãi biển Cát Sơn không xa, vào buổi sáng sớm anh thường đi tập thể dục, thấy rác thải ở biển dạt vào bờ nhiều, anh đã nảy sinh mang về tái chế.

Với sở thích trồng hoa và cây cảnh, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào những ngày cuối tuần biến những rác thải đó thành những chậu trồng hoa và cây cảnh.

Quảng Trị: Ông Chủ tịch đi nhặt rác biến thành "đồ chơi" đáng tiền, có cả tác phẩm cầu Vàng Đà Nẵng - Ảnh 1.

Anh Miêng, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị giới thiệu hòn non bộ có hình cầu Vàng ở TP. Đà Nẵng làm bằng xốp kết hợp với xi măng

 Với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, anh đã tạo ra những sản phẩm đầu tiên. Các loại phao tròn ở biển trôi dạt vào bờ anh nhặt về cưa bỏ đi một phần rồi tiến hành sơn lại theo các màu ưa thích tạo thành các chậu trồng hoa. 

Hay với những chiếc phao xốp, anh tạo hình kết hợp với xi măng tạo thành những hòn non bộ có hình cầu Vàng nổi tiếng ở thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, đối với những sợi dây dù nhặt từ biển về anh mang giặt sạch, phơi khô đan thành những chiếc võng để sử dụng.

Không chỉ rác thải từ biển mà các loại rác thải trong sinh hoạt hàng ngày cũng được anh tạo ra những chiếc chậu trồng hoa lạ mắt như: Chiếc áo len cũ, áo phông, khăn tắm hay chiếc mũ rộng vành anh nhúng vào xi măng rồi tạo hình, kết hợp với các màu sơn là thành sản phẩm theo ý muốn. 

Hay từ chiếc bao tay cũ của người thợ nề, cái lốp xe, sứ cách điện bỏ đi hoặc chiếc mũ bảo hiểm qua đôi tay khéo léo của anh tạo ra thành sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

 Anh Bùi Quang Miêng tâm sự: Khi mới nhặt rác mang về bà con trong xóm hỏi “Chú mang những thứ bỏ đi đó về chi cho chật nhà” anh cười đáp trả “có việc cả đó bác”. Từ những thứ rác thải không còn sử dụng được anh kỳ công tái chế thành những thứ vật dụng có ích.

Sân nhà anh là những chậu muôn hình, muôn vẻ với các loài hoa như: Phong lan, đồng tiền, mắt nai, dạ yến thảo, dừa cạn, hoa hồng leo, cúc bi, mai Nhật Bản, hoa giấy đua nhau khoe sắc; hay các chậu cây cảnh như si, sanh, sứ Nhật Bản, phát tài.

Hành động của anh đã lan tỏa ra cộng đồng, bà con trong xóm đã tìm đến anh để học hỏi cách làm, anh luôn vui vẻ chia sẻ, hiện nay sân nhà nào ở thôn Cát Sơn cũng có những cái chậu hoa giống như nhà anh Miêng.

Những sản phẩm tái chế không những góp phần làm sạch môi trường, mà còn mang lại thu nhập cho gia đình anh. Qua Facebook các chậu hoa tái chế của anh đã đến với cộng đồng. 

Những sản phẩm này không những đẹp mà còn bền nên khách hàng rất ưa chuộng. Anh bán chậu hoa tái chế với giá từ 50.000-70.000 đồng/cái, các hòn non bộ từ 500.000-600.000 đồng/cái, võng có giá từ 100.000đ-150.000đồng/cái.

 

Có thể nói, hành động tái chế rác thải của anh Miêng đã tác động không nhỏ đến cộng đồng, bà con thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã chung tay hưởng ứng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem