Quốc hội thảo luận Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi): Cần công bằng với con em nông dân

Long Nguyên Thứ bảy, ngày 22/11/2014 19:08 PM (GMT+7)
Ngày 21.11, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu nhấn mạnh: Việc thu hẹp đối tượng miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự là cần thiết để bảo đảm công bằng, khắc phục biểu hiện trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Bình luận 0

“Có tỉnh, con em nông dân nhập ngũ chiếm 97,5%”

Tại phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc và đề cập cụ thể về sự thiếu công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong đó vấn đề thu hẹp đối tượng miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự. Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho biết: “Cần khắc phục tình trạng chủ yếu là thanh niên ở vùng nông thôn, con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhập ngũ số lượng nhiều hơn số con em gia đình cán bộ, công chức, gia đình khá giả, công dân có trình độ cao. Như kết quả hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, ở một tỉnh số con em nông dân nhập ngũ chiếm 97,5%, con em cán bộ, công chức chỉ chiếm 2,5%”. Đây là lý do được đại biểu Lâm nêu ra để tán thành việc mở rộng độ tuổi nhập ngũ thêm 2 tuổi nữa (đến hết 27 tuổi). “Đây là điểm mới, tiến bộ, bảo đảm công bằng cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhất là đối với các trường hợp công dân nam học đại học tại một số trường có thời gian học tập lâu hơn, khi ra trường không còn tuổi để nhập ngũ, mất đi cơ hội được phục vụ trong quân đội”- đại biểu Lâm khẳng định.

imgTrong thành phần tham gia phục vụ quân ngũ, có 79,4% là con em nông dân, 2,24% là con em cán bộ... Ảnh: Những tân binh huyện Tây Sơn, Bình Định sẵn sàng lên đường nhập ngũ.  Ảnh:  Xuân Nguyên

 

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cũng nêu ra những con số thống kê để chứng minh quan điểm: “Về vấn đề công bằng trong thành phần tham gia phục vụ quân ngũ, có 79,4% là con em nông dân, 2,24% là con em cán bộ, 2,7% là con em công nhân, 0,63% là con em thợ thủ công và 13,03% là các thành phần khác. Chất lượng thành phần nhập ngũ cũng chưa tương xứng với thực lực nguồn sẵn sàng nhập ngũ”.

Quan điểm

Đại biểu Phạm Văn Tam 
(Hà Nam)
 Nhiều người băn khoăn chúng ta sẽ xây dựng quân đội thành kiểu quân đội nhà nghề. Tôi nghĩ dù là nghề hay không nghề, đây là một quân đội cách mạng, chính quy dưới sự lãnh đạo của Đảng thì ta không sợ quân đội trở thành quân đội chuyên nghiệp. Tôi nói thật, nếu không có tính chuyên nghiệp thì không thể nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu”. 
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nói thẳng: “Quy định về hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm công bằng. Tôi nhất trí với quy định dự thảo về việc thu hẹp đối tượng công dân được tạm hoãn, miễn nhập ngũ trong thời bình”. Cũng tỏ ra bức xúc, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: “Một trong những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc, thậm chí bất bình trong nhân dân suốt nhiều năm qua là sự thiếu công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng, miền khác nhau. Tất cả những sự bất bình đẳng này có nguyên nhân rất quan trọng là do chế độ chính sách, quy định hiện hành. Các quy định khiến một nghĩa vụ rất vẻ vang của công dân từ 18 đến 25 tuổi, nhưng cuối cùng lại trở thành nghĩa vụ riêng của một nhóm các công dân ở các vùng nông thôn, ít điều kiện học hành”.

 

Nâng cao sức khỏe, học vấn tân binh

Ngoài các vấn đề được thảo luận như kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ, độ tuổi nhập ngũ, chế độ chính sách, quyền lợi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị…, nhiều đại biểu đã thảo luận sâu về việc nâng cao sức khỏe, học vấn cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) bày tỏ: “Mặc dù chúng ta bảo đảm được số lượng tân binh lên đường nhập ngũ, nhưng chất lượng không bảo đảm. Sức khỏe ở một số địa phương rất thấp, có địa phương sưc khỏe loại 1 chỉ đạt trên 30%, còn lại chủ yếu tân binh có sức khỏe loại 2, loại 3. Hiện tại, bình quân chung toàn quốc phấn đấu thì mới đạt 45,7% sức khỏe loại 1”. Đại biểu Duyền cho biết thêm, năm 2014, do tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng có lực lượng lớn nhưng công ăn, việc làm khó khăn nên tân binh lên đường nhập ngũ là sinh viên chiếm số đông. Đây là điều kiện để nâng cao về sức khỏe và trình độ học vấn cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) nêu thêm bất cập: “Chất lượng của lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu không bảo đảm, tương ứng là chất lượng dự bị động viên không tốt. Vì chất lượng đầu vào để bảo đảm công bằng nên trình độ văn hóa, sức khỏe và nhận thức chính trị khiến các đơn vị hiện rất vất vả trong việc tổ chức huấn luyện và nâng cao chất lượng, nhận thức chính trị. Điều đó dẫn đến chất lượng của dự bị động viên không đáp ứng được yêu cầu khi tổ chức động viên thực hiện nhiệm vụ”. Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu ra rất nhiều giải pháp để chống lãng phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm công bằng cho công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem