Ra quán cà phê 20 lần/tháng, người trẻ sẵn sàng "móc hầu bao" cả triệu đồng để tận hưởng thứ tuyệt vời này
Ra quán cà phê 20 lần/tháng, người trẻ sẵn sàng "móc hầu bao" cả triệu đồng để tận hưởng thứ tuyệt vời này
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 11/01/2025 13:54 PM (GMT+7)
"Chỉ cần gọi một ly cà phê, chọn một góc nhỏ yên tĩnh, là tôi có thể hoàn thành rất nhiều việc. Thời gian ngồi có thể kéo dài từ sáng tới tối khuya, có quán còn mở cả đêm khiến tôi có nhiều sự lựa chọn", một bạn trẻ đang học tập và làm việc tại Hà Nội tâm sự.
Chi cả triệu đồng để "mua" không gian làm việc mỗi tháng, vì sao người trẻ không tiếc?
0 giờ đêm một ngày đầu tháng 11, tại một quán cà phê ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), tiếng gõ bàn phím lạch cạch vang lên liên tục. Quán chật kín các bạn trẻ, có người tay ôm laptop, sách vở, một số khác đang chỉnh sửa các bản thiết kế, hoặc đeo tai nghe họp trực tuyến... Những chiếc bàn nhỏ san sát nhau, nhưng ai làm việc người nấy một cách chăm chú.
Vừa nhâm nhi ly cà phê, ánh mắt đầy tập trung vào màn hình laptop, chị Bùi Duyên – sinh viên năm cuối tại một trường Đại học ở Hà Nội đã “cắm cọc” tại quán cà phê này từ 20 giờ tối hôm trước và dự định sẽ làm việc xuyên đêm tại đây.
Chị chia sẻ: “Ở ký túc xá đại học thì chật chội và ồn ào lắm, nhất là vào buổi tối. Tôi không thể tập trung làm việc hay sáng tạo được, nên quyết định ra quán cà phê ngồi. Tuy tốn thêm tiền, nhưng đổi lại tôi có không gian yên tĩnh và thoải mái hơn để hoàn thành các dự án cá nhân”.
Chị Duyên cho biết, mỗi tháng chị dành từ 1 - 2 triệu đồng gọi đồ uống để được ngồi làm việc tại các quán cà phê. “Ban đầu tôi cũng đắn đo vì chi phí này không nhỏ với một sinh viên. Nhưng sau khi thử vài lần, tôi nhận ra đây là một khoản đầu tư hợp lý. Không gian tại quán cà phê giúp tôi tập trung hơn nhiều so với khi ở ký túc xá. Mọi người ai cũng tập trung làm việc nên không ai làm ảnh hưởng đến ai”.
Với chị Duyên, khoản chi này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc, mà còn là cách để cô tận hưởng những phút giây riêng tư và thư thái giữa lịch trình bận rộn của cuộc sống sinh viên. “Tôi nghĩ làm việc hiệu quả quan trọng hơn việc tiết kiệm chi phí nhưng luôn căng thẳng. Chỉ cần gọi một ly cà phê, một góc nhỏ yên tĩnh, là tôi có thể hoàn thành rất nhiều việc”, chị nói.
Tại một quán cà phê khác ở quận Nam Từ Liêm, anh Nguyễn Hoàng Minh (21 tuổi, sinh viên) vừa chỉnh sửa giáo án để dạy gia sư cho học sinh trên laptop vừa chia sẻ: “Phòng trọ của mình ở chung với 3 người, khá bí bách và thường xuyên ồn ào, nên mình chọn ra quán cà phê để soạn giáo án đi dạy thêm, tranh thủ xử lý bài tập cá nhân được thầy cô giao về nhà luôn. Ở đây, chỉ cần một ly cà phê và wifi mạnh là mọi thứ suôn sẻ hơn hẳn”.
Anh Minh nhẩm tính, mỗi tháng, anh dành khoảng 20 lần ra quán cà phê để làm việc và số tiền chi tiêu cho khoản này dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng. “Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng với mình, đây là cách để tối ưu thời gian và hiệu quả làm việc. Ở quán cà phê, mình không bị xao lãng, không gian vừa thoải mái lại có cảm giác mọi người xung quanh cũng đang tập trung, nên mình cũng làm việc hăng say hơn”, anh Minh tâm sự.
Dù là sinh viên với ngân sách hạn chế nhưng anh Minh tin rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng. “Thay vì ngồi một chỗ bực bội vì không làm được gì, mình chọn cách chi tiền để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn. Điều này không chỉ giúp mình hoàn thành công việc mà còn giữ được sự cân bằng tinh thần”.
Chị Kim Dung, chủ một quán cà phê ở quận Đống Đa cho biết, khung giờ cao điểm tại quán thường rơi vào khoảng từ 11 giờ trưa tối đến 19 giờ tối. Đây là thời điểm quán đông nhất, chủ yếu là các bạn trẻ đến học bài, làm việc hoặc chạy deadline. “Chúng tôi có dịch vụ wifi tốc độ cao, được duy trì ổn định suốt cả ngày lẫn đêm. Các bạn sinh viên thường thích không gian thoáng, có ánh sáng dịu nhẹ và âm nhạc nhẹ nhàng để tập trung”, chị Dung chia sẻ.
Về chi tiêu của khách hàng, chị Dung cho hay, mỗi người thường chi trung bình từ 50.000 - 100.000 đồng mỗi lần đến quán, tùy thuộc vào món đồ uống hoặc đồ ăn kèm mà họ gọi. “Có những bạn ngồi lâu và gọi thêm đồ uống lần hai, nhưng đa số chỉ cần một ly cà phê hoặc trà là đủ để làm việc trong nhiều giờ”, chị nói thêm.
Thống kê "gây sốc": Lương càng thấp, càng đi cà phê nhiều
Theo nghiên cứu vào cuối năm 2024 của một công ty chuyên nghiên cứu thị trường và đo lường sức khỏe thương hiệu có trụ sở tại Hà Nội, nhóm người tới các quán cà phê nhiều nhất là nhóm có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, với tần suất 1-3 lần/tuần. Nhóm người tới các quán cà phê nhiều thứ hai là nhóm có thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng, với tần suất phổ biến tương tự nhóm có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Cũng theo báo cáo kết quả của nghiên cứu trên, hai nhóm thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng và từ 10 - 20 triệu đồng/tháng tập trung đông đảo các đối tượng người tiêu dùng trẻ. Nhu cầu và mức chi tiêu cho ăn uống của nhóm người tiêu dùng này tăng trưởng đáng kể và vẫn tiếp tục gia tăng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng giờ đây có xu hướng lựa chọn những sản phẩm cao cấp hơn bởi họ có ý thức hơn về giá trị, và có mục đích cụ thể chi tiêu của mình. Nhóm người tiêu dùng trẻ (từ 18 - 30 tuổi) có sự đa dạng về đối tượng (nhân viên văn phòng, sinh viên, làm việc tự do…) với đa dạng nhu cầu.
Thực tế, nhóm người tiêu dùng trẻ cũng đang là phân khúc trọng tâm mà các thương hiệu cố gắng khai thác thông qua xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ.
Người tiêu dùng trẻ thể hiện sự chi tiêu mạnh tay cho các dịp thông thường (khoảng 80.000 đồng), nhưng khá dè dặt với món đồ ăn, thức uống đặc biệt. Có thể thấy, nhóm người tiêu dùng này đang cố gắng tối ưu chi phí cho mỗi dịp đến quán để có thể tăng số dịp/tháng với mức thu nhập của bản thân.
Nghiên cứu kết luận, những quán cà phê nhỏ, mặt phố đáp ứng nhu cầu về vị trí quán (dễ tiếp cận), nhưng lại không quá đắt đỏ so với các nhà hàng lớn hay quán cà phê nằm trong khu vực sang trọng. Ngoài ra, các quán ở phân khúc này thường có ý tưởng trẻ trung, độc đáo, đa dạng về loại hình không gian, phù hợp với thị hiếu và mục đích của phần đông giới trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.