Ra Trường Sa câu cá "khủng", có con nặng 1 tạ

Thứ năm, ngày 18/01/2018 08:05 AM (GMT+7)
Nếu không kể ngư dân đánh cá xa bờ thì chẳng mấy ai có dịp thả câu giữa vùng biển xa xôi, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, nơi phên giậu của Tổ quốc. Nếu như bộ đội đất liền tăng gia bằng hình thức vườn ao chuồng thì bộ đội Hải quân tăng gia bằng hình thức câu cá.
Bình luận 0

Tận dụng thời gian tàu neo đậu về đêm, hoặc lúc gặp thời tiết bất lợi, sóng gió quá lớn tàu không thể thả xuồng đưa hàng cặp cầu cảng các đảo được, những thủy thủ tàu, lính hải quân trong các đoàn công tác bắt đầu việc câu cá. Đó không chỉ là thú vui mà quan trọng hơn đó là cách lính biển tăng gia.

img

Hai chiến sĩ khoe “chiến lợi phẩm” là một con cá mú đỏ nặng 3kg câu được vào 16h chiều ngày 15/1 tại khu vực tàu thả neo gần đảo Sinh Tồn. Để câu được con cá này, các cần thủ thường dùng cước cỡ 10, thả dưới độ sâu khoảng 100m, sát rạt dưới đáy biển để dụ cá ăn mồi.

Giữa biển khơi bao la, mỗi người lính đi biển dài ngày thường thủ sẵn vài trăm mét dây cước quấn gọn gẽ vào một vòng nhựa cất trong balô. Cước nhỏ nhất cũng cỡ 10 trở lên kèm cục chì khoảng 0,3kg tới gần 1kg đảm bảo kéo nổi cá nặng vài kg tới cá to cả tạ.

img

Cũng trên chuyến tàu HQ 996, sau 2h buông mồi, một thủy thủ đã câu được con cá mú lớn nặng 98kg dưới độ sâu gần 200m bằng cước cỡ 20. Người câu được con cá là một tay câu chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm nhất trên chuyến tàu này. Ngoài cá mú lớn, các “cần thủ” còn câu được hai con cá nhám nặng mỗi con hơn 100kg.

Lưỡi câu thì chuẩn bị sẵn mươi cái lớn nhỏ khác nhau. Mỗi loại lưỡi câu dùng để câu những loại cá khác nhau. Và ở mỗi vùng biển sẽ là nơi sinh sống của những loài cá nhất định. Những năm tháng dài gắn bó với biển đã giúp lính Hải quân “bắt mạch” được luồng cá.

img

Tàu chở quà Tết từ đất liền ra Trường Sa thường lênh đênh trên biển nhiều ngày, để cải thiện bữa ăn tươi giữa biển nước mênh mông, nhiều người thủ sẵn bộ đồ câu đợi khi tàu neo tại các điểm đảo sẽ buông mồi câu cá. Háo hức nhất với thú vui câu cá giữa biển có lẽ là các nhà báo, phóng viên trung ương và địa phương, những người lần đầu ra thăm Trường Sa muốn thử cảm giác câu được cá lớn ở độ sâu cả trăm mét dưới đáy biển.

Tại vùng biển đảo Trường Sa, có nhiều vùng nước nông, sâu với các rạn san hô có rất nhiều loại cá có giá trị trú ngụ, như: cá ngu, ngừ, thu, mú, kình… đủ để thử thách các “cao thủ” mê câu nhất. Lúc đầu chỉ lác đác vài tay câu, dần dần lên đến vài chục người dọc suốt hai mạn tàu. Thú vị nhất khi đêm xuống, những con cá lớn chuyên đi ăn đêm dưới các tầng nước sâu ngoi lên mặt nước đớp mồi, có loài bay sát rạt dưới mặt nước hay lao vào đèn neo cạnh mạn tàu…

img

Trong lúc đang buông cần câu gần đảo Đá Lớn, nhiều người trên tàu chứng kiến cảnh các đàn cá heo vọt lên cạnh mũi tàu giữa lúc sóng biển êm ả.

Có con cá cắn mồi, các chiến sỹ lôi dây nhanh. Cá lao trong biển nước, có con cá lớn hơn trên đà đuổi theo, cắn đứt nửa con cá mắc câu để rồi khi các chiến sỹ lôi lên chỉ còn mỗi đầu cá. Mỗi chiến sỹ câu cá đều cẩn thận mang bao tay, để khi cá lớn cắn câu, tay rì dây câu không bị đứt.

img

Câu đêm luôn đem lại nhiều điều thú vị. Như thường lệ, theo kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, không cần câu, chỉ treo vài bóng đèn neon ở mạn tàu để dụ cá chuồn, loại cá có thể bay trên mặt nước được 100-300m. Ban đêm, vốn mê ánh sáng, như những con thiêu thân, bọn cá chuồn cứ thế bay vèo vèo trên mặt nước lao vào quầng sáng. Có con bay vọt lên 20-30m trên mặt biển, sau đó lao thẳng đầu vào mạn tàu đánh bộp rồi rớt xuống nước, lờ đờ vì bị choáng. Người trên tàu chỉ cần cầm vợt dài vớt lên làm mồi câu các loài cá lớn hơn.

Có những con cá hàng chục ký cắn câu, các chiến sỹ phải gồng mình, hai ba người cùng rì lấy dây kéo khéo léo để không đứt dây để kéo cá lên trong sự reo hò của cả tàu…

img

Trong một ngày neo ở vùng biển có nhiều rạn san hô, nơi có ít cá lớn. Tuy nhiên, nhiều “cần thủ” vẫn vui vẻ khi câu được mực, mú, cá lượng có trọng lượng từ 1 tới 3kg. Số cá vừa câu được, phần lớn được các chiến sĩ dùng để cải thiện bữa ăn trên tàu trong mỗi chuyến hải trình dài ngày trên biển.

Cá sau khi được kéo lên, những chiến sỹ chuyên mổ cá sẽ nhanh thoăn thoắt lấy hết ruột cá ra. Bởi nếu để nguyên ruột cá khi chất vào kho lạnh cá sẽ dễ bị hỏng. Ruột cá được dùng nấu mì mà anh em chiến sỹ vẫn thường gọi vui là “mì gói có người lái” để làm bữa ăn đêm cho cả tàu. Còn thân cá một số được dùng để cải thiện bữa ăn trên tàu. Phần nhiều sẽ được chất vào kho lạnh đem về đất liền bán cho các đầu mối dể tạo nguồn thu cho đơn vị.

img

Tới 21h tối, trời mưa và biển sóng khá lớn nhưng nhiều chiến sĩ vẫn buông câu tại vùng biểngần khu vực đảo Sinh Tồn Đông.

Chỉ việc câu cá thôi cũng có những hình ảnh gợi cho những người lần đầu đến với Trường Sa như chúng tôi sự giàu có của “Biển Bạc” và cả sự khắc nghiệt của biển cả.

img

Cá chuồn vớt được được các chiến sỹ dùng để làm mồi câu. Đây là loại mồi dễ dụ được các loại cá lớntheo nguyên tắc “Cá lớn nuốt cá bé” trên biển Đông.

img

Binh nhất Nguyễn Đình Long, công tác trên đảo Sinh Tồn câu được một con mực lá nặng gần 1kg, suýt xoa: “Quả không cảm giác nào thú vị bằng anh ạ!”. Sau 3h buông cước, anh bộ đội trẻ đã thu về chiến lợi phẩmgồm 5kg mực tươi rói.

Chính Thành (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem