Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng

Trần Thái Hoãn Thứ năm, ngày 02/06/2022 13:22 PM (GMT+7)
Như miền Tây mùa nước nổi, Hà Nội mùa hoa loa kèn… nổi tiếng và rất đặc trưng riêng, Sài Gòn cũng có một mùa "không đụng hàng" – mùa những nồi bá trạng đỏ lửa ngày đêm.
Bình luận 0
Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng - Ảnh 1.

Bánh bá trạng, bánh ú tro và trái cây đề huề trên bàn thờ gia tiên ngày Đoan Ngọ. Ảnh: Thái Hoãn

Tuy nhiên, không đằng đẵng mấy tháng trời như miệt Chín Rồng, hay tháng dài hoa rộ đất Thăng Long, mùa bá trạng "ngắn chẳng tày gang", chỉ vài bữa là hết. Nhưng thú vị là kết thúc trên bàn ăn, để lại dư vị ngọt ngào tiếc nuối chờ đợi tới mùa sau.

Nói nào ngay, dù mùa bánh bá trạng đang rất rộn ràng ở các khu có nhiều cộng đồng người Hoa như quận, 5, 6, 8, 11… kha khá người Sài Gòn vẫn chưa biết cái bánh đó. Tôi cũng từng lầm nó với cái bánh ú của người Việt mình, khi thấy chúng ở Thái Lan, Miến Điện... Lầm cũng phải, vì trong nhiều phiên bản bá trạng khác nhau, có loại cũng có hình kim tự tháp với ba chóp nhọn, kích cỡ y hệt bánh ú. Có điều nhưn nhị bên trong, cả lớp nếp bao ngoài cũng được tẩm ướp gia vị rất khác.

Nghe tên có vẻ hơi lạ, nhưng thiệt ra bá trạng là từ chữ bá (có nơi đọc bạ) nghĩa là thịt, trạng là hình bánh ú, bá trạng nghĩa là bánh ú nhân thịt. Tuy nhiên, ngoài thịt ra tùy khu vực, bánh còn có tôm khô, đậu xanh, đậu phộng, hạt sen, trứng muối, bào ngư, gà quay… nên giá bánh rất dao động từ khoảng 50.000 ngàn cho tới hơn 500.000 đồng/cái.

Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng - Ảnh 3.

Con hẻm 170 Tuệ Tĩnh với những nồi bá trạng luôn đỏ lửa mấy ngày này. Ảnh: Thái Hoãn

Hơi khác với người Việt, Tết giữa năm thường cúng với trái cây, ra vườn bắt sâu bọ, ăn cơm rượu để diệt trừ giun sán… bá trạng là bánh truyền thống của người Hoa ở các khu vực Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam… dùng cúng Đoan Ngọ. Nguồn gốc được cho là liên quan tới câu chuyện Khuất Nguyên trầm mình xuống sông tự vẫn.

Hình dáng cái bánh ú cũng có, hình vuông, chữ nhật dẹp dẹp cũng có, hơi nhô lên ở giữa cũng có. Gói lá dong chứ không phải lá chuối như bánh ú mình, lá dong thường được xử lý trước chứ không để tươi như khi mình gói bánh chưng… Nói chung cũng là khá nhiều nét tương đồng.

Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng - Ảnh 4.

Bấy nhiêu đây nồi bánh, nhưng hỏi thì hết bánh bán lẻ - tiệm đối diện chung cư Gia Phú. Ảnh: Thái Hoãn

Nhưng rất khác với người Việt, khi nấu bánh là cơ hội sum vầy, khi gia đình, hàng xóm, láng giềng… thường túm tụm vui vẻ bên nhau cùng "trông bánh chưng xanh chờ trời sáng…". Bá trạng thường được nấu, bán bởi các hộ kinh doanh. Nên không phổ biến nơi nơi khắp chốn mà chỉ tập trung ở vài con đường khu phố Sài Gòn. Như ở con hẻm 170 Tuệ Tĩnh, dãy căn hộ ngay trước chung cư Gia Phú, đường Tân Phước bên hông Chợ Thiếc… và ở vài hộ kinh doanh cá thể. Đi qua mấy khu vực đó mấy ngày này, không khí khá tấp nập đông vui.

Tuy nhận "kèo" đặt hàng từ trước cả nửa tháng, việc chuẩn bị nguyên liệu từ lâu, bánh được bắt đầu nấu chỉ đâu đó 1 tuần – 10 ngày trước Đoan Ngọ. Và lửa cũng chỉ đỏ nhiều ở mấy ngày cuối, khi đơn hàng tập trung nhiều nhất. Nên nói là mùa vui bá trạng ngắn "chẳng tày gang" là do vậy. Nhưng đó cũng là nét đặc trưng độc đáo, ấm áp của một góc Sài Gòn vào buổi tối những ngày tháng 5 âm lịch đã mưa nhiều.

Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng - Ảnh 5.

Bá trạng rộn ràng xuống phố Sài Gòn. Ảnh: Thái Hoãn

Chuyển sang buổi sáng, khi các bếp lửa dịu xuống là phố phường đầy nhóc những xe, quầy bánh bá trạng. Đi kèm không thể thiếu là đám bánh ú tro xinh xinh nhỏ hơn và các loại lá xông nhà chất đầy hết xe nọ tới góc hè phố kia. Xung quanh những xe, hàng bánh, nhiều người bu đen đỏ, trên đường phố tập nập những chiếc xe máy lủng lẳng bó lá cúng, treo mấy chiếc bá trạng… là những hình ảnh thú vị của mùa bá trạng Sài Gòn. 

Không chỉ nói hiếm thấy ở các vùng miền khác ở Việt Nam, từng lang thang Đoan Ngọ ở những Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai… tôi chưa thấy những hình ảnh như vậy (dù họ có những tập tục khá hay khác).

Tết Đoan ngọ, mùa bá trạng năm nay Sài Gòn rộn ràng khác thường. Chỉ mới vài ngày qua thôi, nhiều nơi, nhiều gia đình trong thành phố, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội… ngậm ngùi kỷ niệm một năm ngày Sài thành bắt đầu những ngày phong tỏa quá ấn tượng, quá đau thương khó thể nào quên. Tết Đoan ngọ, mùng 5 tháng năm Âm lịch 2021 là ngày 16/6/2021, cũng là sau mấy ngày thành phố vừa cửa đóng then cài, không có hội hè gì nữa.

Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng - Ảnh 6.

Mua bá trạng, thường mua luôn bó lá xông. Ảnh: Thái Hoãn

Nên, Đoan Ngọ năm nay, mừng thành phố hồi sinh, mừng dịp được hội hè giữa bình an, bà con, anh em, bạn bè thân hữu được gặp nhau ôn cố tri tân… dù nhiều khó khăn vẫn còn, mọi người, nhất là ở khu vực Chợ Lớn, khá rộn ràng mua sắm bày biện.

Chỉ mới sẩm tối mùng 3/5 Âm, ngày 1/6/2022, khi hỏi thăm nhiều căn bếp nấu bánh bá trạng đang đỏ lửa, đều bị lắc đầu báo là đã hết bánh bán lẻ rồi, chỉ còn nấu cho khách đặt trước thôi. Nên, nếu muốn thưởng thức món ngon, lẫn cả không khí rộn ràng mùa bá trạng ở góc luôn đông vui nhộn nhịp của Sài Gòn thì hãy nhanh chân lên nhé.

Sài Gòn mùa bá trạng rộn ràng - Ảnh 7.

Kết thúc ngon lành của một mùa bá trạng. Ảnh: Thái Hoãn

Sài Gòn quán bán bánh bá trạng: Nguyên dãy cửa tiệm đối diện chung cư Gia Phú, số 445 đường Gia Phú, quận 6; 145/7 Gia Phú (bánh bá trạng Phúc Kiến); 128 Trần Quý (bánh bá trạng Quảng Đông) và nhiều xe đẩy trước, xung quanh Chợ Thiếc, quận 11; 102/9/29 đường 100 Bình Thới, P14, Q11 HCM; 209, 259 Phạm Văn Chí, P3, Q6; 458 Minh Phụng, tiệm Phát ký, 258/7 Mai Xuân Thưởng, P2, Q6 (bánh bá trạng Triều Châu); 1133/44A, 3/2, P6, Q1; 170/23 Tuệ Tĩnh, tiệm An Ký; 165/6 Ba Đình, Q.8 (bánh bá trạng Triều Châu); dọc đường Nguyễn Trãi gần khu vực chợ Phùng Hưng (chợ Thủ Đô); khu vực đèn 5 ngọn đường Trần Hưng Đạo; đường Tạ Uyên chỗ ngã tư giao với Trần Quý….


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem