Sau chuyển đổi, đất Thái Bình có thêm nhiều triệu phú trồng rau an toàn

Hải Đăng Thứ bảy, ngày 14/11/2020 10:12 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, người dân xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Sau chuyển đổi, vùng đất này ngày càng có nhiều triệu phú từ trồng rau an toàn.
Bình luận 0

Hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa

Những ngày này trên cánh đồng rau màu ở xã Quỳnh Hải, người dân đang tất bật ra đồng chăm sóc rau màu. Năm nay thời tiết ủng hộ nên các ruộng su hào, luống hành, cần tây... rất xanh tốt, chờ ngày bội thu.

Đang chăm chú tưới các luống su hào của gia đình, thấy đoàn cán bộ khuyến nông về thăm, ông Nguyễn Văn Sáu (ở thôn An Phú 1, xã Quỳnh Hải), vui mừng nói: Từ khi được cán bộ khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn chuyển lúa sang trồng rau, nhiều năm nay gia đình tôi được mùa liên tiếp. Mỗi sào rau thu hơn 10 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng lúa.

Sau chuyển đổi, thêm nhiều triệu phú trồng rau an toàn - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đại biểu thăm mô hình trồng rau trên đất lúa kém hiệu quả ở Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ (Thái Bình). Ảnh: Trần Quang

Theo ông Lê Quốc Thanh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang hỗ trợ cho các tỉnh chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành cũng tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân sản xuất hiệu quả...

Theo quan sát của phóng viên, các ruộng rau ở đây đều được bà con che phủ nylon để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, dinh dưỡng cho cây, bên trên các ruộng rau bà con dùng màng phủ để che mưa, sương muối, hạn chế sâu bệnh hại...

Ông Phạm Văn Liễn - Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Hải khẳng định, đến nay, 170ha rau màu chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả của xã đều đang cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

"Những ruộng trồng rau an toàn như su hào, cần tây, hành, mướp đắng... đều đang cho thu nhập từ trên 10 triệu đồng đến trên dưới 20 triệu đồng/sào. Do trồng các loại rau ngắn ngày nên tính ra, mỗi năm bà con trồng được 5-6 vụ, thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như gia đình ông Đào Văn Thắm (ở An Phú 1), Phạm Văn Duẩn (ở An Phú 2), Nguyễn Văn Dũng (ở An Phú 1)..." – ông Liễn nói.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi thêm các diện tích lúa khác sang trồng rau an toàn, đồng thời phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp, thương lái để tiêu thụ sản phẩm ổn định" - ông Liễn chia sẻ thêm.

Sau chuyển đổi, đất Thái Bình có thêm nhiều triệu phú trồng rau an toàn - Ảnh 3.

Nhờ trồng rau an toàn, nông dân ở Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ, Thái Bình) có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ảnh: H.Đ

Chuyển đổi gắn với nhu cầu thị trường

Đánh giá về các mô hình chuyển đổi ở Quỳnh Hải, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho rằng: "Cách làm của Quỳnh Hải rất hay và hiệu quả. Tại mô hình này, người dân không chỉ có thu nhập cao nhờ trồng rau mà đồng ruộng ở đây vẫn giữ được nguyên trạng về quy hoạch, kết cấu vốn có của đất lúa. Các địa phương khác có thể học tập, nhân rộng".

Lưu ý thêm về việc chuyển đổi cây trồng, ông Thanh cho hay: "Cùng với việc sản xuất cây lương thực, chúng tôi rất khuyến khích bà con chuyển đổi sang cây trồng hiệu quả hơn, nhưng chúng ta phải chú ý đến nhu cầu thị trường; sản xuất theo chuỗi, gắn với doanh nghiệp thì mới thực sự bền vững".

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong 3 năm (2017-2019), diện tích cây trồng chuyển đổi ở các tỉnh phía Bắc đạt trên 565.644ha. Dự kiến năm 2020, các tỉnh sẽ chuyển đổi được 175.000ha, tập trung vào các loại hình chuyển đổi từ đất lúa sang cây hàng năm; từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa; chuyển đổi từ đất lúa sang cây lâu năm...

Trao đổi với các đại biểu 8 tỉnh về dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả" tổ chức tại Thái Bình hôm 13/11, TS Đoàn Xuân Cảnh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết, ở Việt Nam hiện nay, ngành trồng rau đang đem lại hiệu quả kinh tế cao trong các ngành sản xuất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, để việc mở rộng, chuyển đổi sang trồng rau màu đạt hiệu quả cao, các tỉnh cần chú ý lựa chọn đối tượng cây rau phù hợp cho vùng sản xuất, chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất bền vững, có đầu ra ổn định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem