Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Chính phủ quyết định không bán cổ phần Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ảnh IT
“Đây là tập đoàn có vốn lớn, diện tích đất đai lớn, số lượng lao động thường xuyên và thời vụ cũng rất lớn. Việc tiến hành cổ phần hóa tập đoàn này diễn ra rất thận trọng để tránh những tác động không đáng có.
Sau khi cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ, nên về cơ bản đây vẫn là doanh nghiệp nhà nước. 25% vốn xã hội hóa sau khi bán đấu giá công khai, bán cho người lao động, bán cho công đoàn trong doanh nghiệp, còn lại 11,25% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay. Trong năm 2017, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.
Với sự quan tâm rất cao đó, năm 2017 toàn ngành NN&PTNT đã vượt khó để đi lên với những thành tựu rất đáng trân trọng, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Trong mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, đến giờ phút này chúng ta đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong một năm đầy thử thách về thiên tai, thị trường đã bước đầu khẳng định ngành NN&PTNT đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả, dấu ấn ngành NN&PTNT đạt được trong năm 2017 là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề cho ngành có những bước đột phá trong những năm tiếp theo. Muốn vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh chúng ta phải tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: thứ nhất, phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; thứ hai, đi sâu hơn vào công tác chế biến; thứ ba công tác mở rộng thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2018 chúng ta phải tiếp tục làm sâu sắc hơn, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt, đó là: phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến, mở rộng thị trường. “Chúng ta phải đi từ những tiền đề là các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại để định dạng vùng nguyên liệu để đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân thông qua các HTX kiểu mới, các trang trại... Cùng với đó, phải tập trung phát triển mạnh hơn về mặt thị trường, nhất là những thị trường mới, có tiềm năng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.