Ngày 20/1, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có buổi trải nghiệm ngày Tết cổ truyền đáng nhớ trong chương trình "Ngày Tết học sinh sinh viên năm 2024".
Tại đây, nhiều sinh viên được trổ tài khéo léo khi tự tay gói những chiếc bánh chưng đặc biệt của riêng mình như bánh chưng vuông, bánh chưng gù, bánh tét để thể hiện sự trân quý về một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Hà Thị Phương Thùy, K71 Khoa Ngữ Văn, quê ở Tuyên Quang cho hay: "Hai năm gần đây em mới cùng mẹ gói khoảng 20 chiếc bánh chưng đón Tết. Nhà em gói không có khuôn nên hôm nay em được thử gói bánh chưng theo cách khác nên thấy rất thích và thú vị". Thùy cũng cho biết, sau 3 năm học ở trường, đây là lần đầu tiên được trải nghiệm chương trình đón Tết nên thấy rất vui, đặc biệt khi đây là một hoạt động ý nghĩa. Ảnh: Tào Nga
Đang cắt lá để gói bánh chưng, em Thiều Thị Yến Nhi, K73 khoa Văn, quê ở Thái Bình cho biết: "Em bắt đầu gói bánh chưng cách đây 5 năm nên tham gia ngày hội hôm nay không thấy bỡ ngỡ. Ngày trước em được ông dạy cho gói bánh chưng, sau khi ông mất thì em được mẹ dạy. Em thấy gói bánh chưng ngày Tết rất hay và đặc trưng. Trong các khâu, với em khó nhất là lúc đặt lá bọc gạo. Nếu đặt không khéo gạo sẽ bị lòi ra ở góc. Việc để thịt cũng cần chú ý không được lệch khiến bánh không đều. Nhà em hay gói bằng khuôn vào ngày 28 hoặc 29 tết. Gói bánh buổi tối và sáng sớm dậy luộc". Ảnh: Tào Nga
Không chỉ có những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt quen thuộc, các bạn sinh viên còn trổ tài gói những chiếc bánh có hình dạng khác nhau theo nét riêng của quê mình. Em Dương Bình An, K73 khoa Triết bày tỏ: "Em thấy gói bánh vuông rất khó vì em chỉ quen gói được bánh gù theo truyền thống người Tày ở Bắc Kạn quê em. Ở nhà mẹ em là người gói bánh vào ngày 30 Tết nên đây là lần đầu tiên em được tự tay xếp lá, đặt gạo, thịt, đỗ. Xa nhà em thấy càng nhớ và yêu thương gia đình mình hơn. Nhất định Tết này em sẽ ngồi cùng mẹ gói bánh". Ảnh: Tào Nga
Không chỉ gói bánh chưng, các bạn sinh viên còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi động khác như tham quan gian hàng, chơi các trò nhảy sạp, kéo co, chơi ô ăn quan hay trò bịt mắt bắt vịt khiến ai cũng phải ôm bụng cười. Ảnh: Tào Nga
Chương trình đã tạo sân chơi bổ ích để các cá nhân và tập thể sinh viên tham gia giao lưu, xây dựng tình đoàn kết dưới mái nhà chung, giúp các bạn thêm yêu nét văn hoá truyền thống của dân tộc, các trò chơi dân gian cho đến các phần thi rèn luyện nâng cao thể dục thể thao cho sinh viên. Ảnh: Tào Nga
Các khối lớp thích thú tham gia trò kéo co. Ảnh: Tào Nga
Nhiều trò chơi dân gian chuẩn bị sẵn sàng cho các bạn sinh viên thách đấu nhau. Ảnh: Tào Nga
Rất nhiều gian hàng được bày bán để trích quỹ ủng hộ các em nhỏ vùng cao khó khăn. Ảnh: Tào Nga
TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Tết đong đầy” là một chương trình được tổ chức thường niên do Liên chi đoàn, Liên chi hội sinh viên khoa Sinh học tổ chức nhằm gây quỹ tặng quà cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các em học sinh vùng cao. Năm nay, đây là một chương trình vô cùng đặc biệt, khi khoa Sinh học đã cùng kết hợp với khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân và Ký túc xá cùng tổ chức chương trình “Ngày Tết học sinh sinh viên năm 2024”. Chương trình với mục đích hướng tới Tết nguyên đán Xuân Giáp Thìn 2024, tạo một dịp Tết trọn vẹn cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các em nhỏ vùng cao khó khăn ở Trường THCS Tả Ngảo, Bát Xát, Lào Cai; cũng như lan tỏa những nét đẹp truyền thống trên mọi miền quê hương trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam và phát huy tinh thần tương thân thương ái. Ảnh: Tào Nga
Vui lòng nhập nội dung bình luận.