Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập ban quản lý dự án mới, Ban Giao thông lên tiếng

Vũ Quyền Thứ bảy, ngày 25/11/2023 10:34 AM (GMT+7)
Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập thêm ban quản lý dự án mới vì cho rằng nếu tăng quy mô và số lượng Ban Giao thông sẽ khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Bình luận 0

 Đề xuất thành lập thêm ban quản lý dự án mới 

Trong văn bản gửi Sở Nội vụ TP.HCM vào ngày 16/10/2023, Sở GTVT TP.HCM cho hay, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang được giao làm chủ đầu tư 162 dự án và thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án PPP; trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C. 

Mặc dù khối lượng công việc quản lý là rất lớn, nhưng tổng số nhân lực, bao gồm cả viên chức và người lao động của ban này là 239 người. Như vậy, trung bình chưa đến 2 người quản lý 1 dự án. Với mô hình, số lượng quản lý dự án như hiện nay, Sở GTVT đánh giá vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập ban quản lý dự án mới, Ban Giao thông lên tiếng - Ảnh 1.

Gói thầu XL3 dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn đi qua TP.Thủ Đức. Ảnh: Vũ Quyền

Cụ thể, mặc dù cơ cấu tổ chức của Ban Giao thông hiện nay có 10 ban điều hành dự án để tổ chức quản lý hơn 162 dự án, nhưng đặc điểm các ban điều hành dự án này lại không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền, chức năng để phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan giải quyết công việc trong quá trình triển khai dự án, dẫn đến quá tải cho công tác chỉ đạo, điều hành.

Công tác tham mưu chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao, có lúc gián đoạn làm giảm hiệu quả đầu tư. Đơn cử như dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài từ khi được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án nhưng đến nay đã gần 2 năm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Sở GTVT TP.HCM nhận định, nguyên nhân của các tồn tại trên là do số lượng dự án Ban Giao thông quản lý là rất lớn. Đặc biệt các năm gần đây, ban này được giao làm chủ đầu tư 2 dự án quan trọng quốc gia thuộc đường Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, cấp bách quy mô nhóm A như xây dựng nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa...

Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập ban quản lý dự án mới, Ban Giao thông lên tiếng - Ảnh 2.

Dự án cầu Tăng Long, TP.Thủ Đức mới được thi công trở lại sau 4 năm tạm ngừng vì vướng mặt bằng. Ảnh: Vũ Quyền

Với khối lượng dự án quản lý như hiện nay và sắp tới khi các dự án trọng điểm, quy mô lớn được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; đường Vành đai 2; 5 dự án BOT trên đường hiện hữu... khối lượng dự án sẽ tăng lên rất lớn trong thời gian tới.

Như vậy, với việc tăng về cả quy mô và số lượng dự án trong thời gian tới, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải như hiện nay, sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án, khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án và không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

Từ thực trạng và tham khảo mô hình quản lý dự án của Bộ GTVT, Sở GTVT nhận thấy việc thành lập thêm Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải trực thuộc UBND là cần thiết. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với các quy định của pháp luật xây dựng hiện hành, các cơ chế chính sách đặc thù của TP được cấp thẩm quyền cho phép.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập ban quản lý dự án mới, Ban Giao thông lên tiếng - Ảnh 3.

Dự án nút giao An Phú, TP.Thủ Đức khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Quyền

Sở GTVT TP đề xuất lập thêm một Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải trực thuộc UBND TP.HCM. Ban này có chức năng, nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án chuyên ngành giao thông vận tải có quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) và các dự án khác thuộc chuyên ngành giao thông vận tải sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách ngoài đầu tư công khi được giao.

Ban Giao thông phản hồi

Tại văn bản số 7034/BQLDAGT-KHĐT gửi Sở Nội vụ TP.HCM, Ban Giao thông cho biết, không đồng tình với một số nội dung do Sở GTVT đã báo cáo, do sử dụng nhiều số liệu, nhận định chưa chính xác, dẫn đến kết luận chưa khách quan, chưa phù hợp. Đồng thời, cách nhận định trên dễ gây ngộ nhận mọi chậm trễ hiện nay đều có nguyên nhân từ Ban Giao thông.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập ban quản lý dự án mới, Ban Giao thông lên tiếng - Ảnh 4.

Dự án cầu Nam Lý, TP.Thủ Đức đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến thông xe ngày 2/9/2024. Ảnh: Vũ Quyền

Ban Giao thông cho biết, tổng số lượng dự án đơn vị được giao làm chủ đầu tư là 162 dự án nhưng trong đó, đã bao gồm 67 dự án đã và đang quyết toán hoàn thành, 24 dự án đang chuẩn bị đầu tư nên nhiệm vụ, công tác trọng tâm trên thực tế chỉ tập trung vào 71 dự án, bao gồm 23 dự án đang trực tiếp thi công và 48 dự án đang tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu cập nhật đặc điểm thực tế của các dự án Ban Giao thông đang quản lý như đã trình bày thì con số là "10 người quản lý 1 dự án đang triển khai".

Về nhận định của Sở GTVT TP là đặc điểm các Ban Điều hành dự án của Ban Giao thông không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền, Ban Giao thông cho hay, theo quy định, mỗi ban quản lý dự án chỉ có 1 Ban giám đốc và các Ban Điều hành dự án trực thuộc. Các trưởng Ban Điều hành dự án trực thuộc các đơn vị vẫn có thể chủ trì, phối hợp hàng ngày với các địa phương.

"Nếu Sở GTVT TP lập luận như vậy thì Ban Quản lý dự án chuyên ngành sắp tới (giả sử được thành lập theo kiến nghị của Sở GTVT TP) sẽ khắc phục bất cập này như thế nào? Mỗi Ban Điều hành dự án trực thuộc sẽ có con dấu riêng, kế toán riêng... để đủ thẩm quyền giao dịch với các địa phương?", Ban Giao thông đặt vấn đề.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập ban quản lý dự án mới, Ban Giao thông lên tiếng - Ảnh 5.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) có tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng đang được thi công. Ảnh: Vũ Quyề

Giải thích về dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được giao 2 năm nhưng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương, Ban Giao thông cho biết, 2 năm qua có nhiều nguyên nhân làm tiến độ kéo dài không do lỗi của đơn vị. Cụ thể, việc tính toán lại dự án với quy mô thay đổi từ 4 làn xe hạn chế lên 4 làn xe hoàn chỉnh theo chủ trương mới của Thủ tướng Chính phủ; việc phải hoàn tất các thủ tục bổ sung 2.900 tỷ đồng cho dự án từ ngân sách trung ương cho 2 địa phương (chưa có tiền lệ); quan điểm khác nhau giữa Bộ GTVT và Bộ KHĐT liên quan việc đấu nối hay không đấu nối đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài với đường Hồ Chí Minh...

Ngoài ra, nhiều dự án chậm trễ, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhà thầu xây dựng yếu kém... là công tác từ những đơn vị trước đó. Bởi Ban Giao thông chỉ tiếp nhận và triển khai các dự án này từ tháng 5/2019.

Tóm lại, liên quan đến nội dung nêu trong văn bản 12456/SGTVT-XD gửi Sở Nội vụ TP.HCM của Sở GTVT TP.HCM, "Ban Giao thông thống nhất là cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông. Nhưng Ban không thống nhất với cách lựa chọn các thông tin, dữ liệu, phân tích, nhận định của Sở vì các lý do như đã nêu trên", Ban Giao thông nhấn mạnh.

Trường hợp UBND TP, Sở GTVT TP nhận thấy trong những năm sắp tới cần có thêm một ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc UBND TP (tạm gọi là ban quản lý dự án giao thông mới), Ban Giao thông đề xuất ban quản lý dự án giao thông mới sẽ có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban Giao thông hiện nay và có thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý các dự án giao thông triển khai theo phương thức PPP và các dự án mang tính thí điểm, đột phá về cơ chế trên tinh thần Nghị quyết 98.

Ban Quản lý các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) được thành lập năm 2018, theo quyết định của UBND TP trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4; khu quản lý đường thủy nội địa và sáp nhập ban quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) trực thuộc Sở GTVT.

Ngày 16/5/2019, Sở GTVT TP.HCM chuyển giao nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cho Ban Giao thông. Tại thời điểm đó, đây được xem là "siêu ban" ở TP.HCM với khối lượng và số lượng dự án khổng lồ, với 264 cán bộ nhân viên nhưng tổng số dự án được tiếp nhận bàn giao là 409 (tổng số vốn kế hoạch được giao là hơn 4.200 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem