“Sóng” tăng lãi suất lan rộng, gửi ngân hàng nào lãi cao nhất?
“Sóng” tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng, gửi tiết kiệm ngân hàng nào lãi cao nhất?
H.Anh
Thứ hai, ngày 14/06/2021 13:02 PM (GMT+7)
Sóng tăng lãi suất tiết kiệm vẫn lan rộng, thậm chí “ông lớn” Vietcombank dù giữ nguyên lãi suất tiết kiệm cao nhất tại quầy chỉ 5,5%/năm, song điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm % đối với biểu lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến.
Theo dữ liệu của Bloomberg, lãi suất qua đêm tăng 63 điểm cơ bản lên 1,18% vào ngày 31/5. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 12 tháng tăng trong khoảng từ 2 đến 60 điểm cơ bản trong tháng 5/21.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 3-4 điểm % trong khi lãi suất tiết kiệm của khối ngân hàng thương mại quốc doanh không đổi trong tháng 5/2021.
"Sóng" tăng tiết kiệm tiếp tục lan rộng khi SHB "cộng" thêm 0,1 điểm % đến 0,3 điểm % vào biểu lãi suất tiết kiệm, sau khi đã có động thái điều chỉnh vào giữa tháng 5 vừa qua.
Hiện tại, với các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy hiện nay là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng lần lượt là 5,8%/năm và 6,55%/năm.
Ngân hàng Sacombank cũng vừa áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới, tăng 0,1 điểm % ở của các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng lên mức tương ứng 5,7%/năm; 6,3%/năm; 6,4%/năm.
Với hình thức gửi online, lãi suất gửi tiết kiệm tại Sacombank cũng tăng 0,1-0,2% điểm %.
Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm với hình thức gửi tiền online ở kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,5%/năm lên 6,7%/năm.
Tương tự, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng BacABank kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,1 điểm % lên áp dụng cùng mức 3,7%/năm. Từ kỳ hạn 3 tháng đến 11 tháng, ngân hàng này tăng 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn.
Thậm chí, một số ngân hàng vốn giữ ổn định ở nhiều tháng trước thì nay cũng bất ngờ tăng nhẹ lãi suất. Vietcombank là điển hình.
Theo đó, Vietcombank đã có động thái điều chỉnh đối với biểu lãi suất tiền gửi trực tuyến thêm 0,1 điểm % tại các kỳ hạn 3 - 24 tháng, thay vì được giữ ở mức tương đương với lãi suất tại quầy ở các kỳ hạn tương ứng trong giai đoạn trước.
Biểu lãi suất tiền gửi trực tuyến theo khảo sát ghi nhận được của Vietcombank hiện duy trì trong phạm vi từ 2,9%/năm đến 5,6%/năm, áp dụng tại kỳ hạn 1 - 24 tháng. Tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng đang được Vietcombank niêm yết ở mức cao nhất là 5,6%/năm.
Đáng chú ý, mặc dù có nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm như trên nhưng bảng xếp hạng về mức lãi suất cao nhất tháng 6/2021 không có nhiều biến động so với tháng liền trước.
Ngân hàng OCB duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.
Tiếp sau là ACB với mức 7,4%/năm. Ngân hàng này áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn được Techcombank ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; Sacombank với 6,95%/năm…
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại khối ngân hàng quốc doanh là 5,6%/năm. Đây cũng là nhóm ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng cao nhất hệ thống và vẫn tăng trưởng dương trong quý I mặc dù lãi suất thấp nhất thị trường.
Lãi suất tiết kiệm hết "cửa" giảm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng trong thời gian tới lãi suất sẽ đi theo xu hướng tăng vì một số nguyên nhân.
Thứ nhất, hiện tại các ngân hàng đang cần vốn để cho vay, trong khi lượng tiền gửi vào ngân hàng không còn dồi dào như trước.
Biểu hiện, tín dụng đến ngày 21/5 tăng 4,67%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay do dòng tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán, bất động sản… Chính vì thế, ngân hàng tăng lãi suất để tăng sức hấp dẫn cho kênh tiền gửi tiết kiệm.
Hai là, lạm phát đang có xu hướng tăng, nhiều loại hàng hóa cơ bản như tiền điện, tiền xăng,... đang tăng giá và giá cả trên thế giới cũng đang tăng. Khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ các nước trên thế giới cũng làm tăng tỷ lệ lạm phát nhập khẩu lên. Yếu tố này đang đẩy lãi suất tiết kiệm tăng lên.
Còn theo quan sát của Công ty chứng khoán VnDirect, mối lo về lạm phát gia tăng và tăng trưởng tín dụng khả quan đã khiến lãi suất tăng tương đối mạnh trong tháng 5/2021.
Đồng thời, dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng; cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
VnDirect kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi; áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Đồng thời, kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định đến hết năm 2021. Với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức tốt, các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.