Sốt nhẹ, khó thở, đau ngực, cô gái trẻ viêm cơ tim nguy kịch
Sốt nhẹ, khó thở, đau ngực, cô gái trẻ viêm cơ tim nguy kịch
Diệu Linh
Chủ nhật, ngày 08/01/2023 06:06 AM (GMT+7)
Nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực trái ngày càng tăng, cô gái trẻ được chẩn đoán viêm cơ tim với diến biến suy tim, sốc tim hết sức nguy kịch.
Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, bệnh viện vừa nỗ lực cứu sống nữ bệnh nhân 22 tuổi bị viêm cơ tim cấp có nhiều biến chứng phức tạp bằng kỹ thuật ECMO thức tỉnh hiện đại nhất hiện nay.
Viêm cơ tim tiến triển nặng nhanh chóng
Bệnh nhân là N.T.T (22 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở nhiều, kèm đau tức ngực trái. Các triệu chứng khởi phát từ 3 ngày trước, với biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, đau họng, mỏi cơ, sau đó xuất hiện tình trạng khó thở, đau tức ngực ngày càng nặng dần.
Tại Bệnh viện Quân đội 108, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp viêm cơ tim, nên bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức Tim mạch điều trị.
Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim tiếp tục tiến triển nhanh, bệnh nhân có nhiều rối loạn nhịp rất phức tạp với những cơn bão điện học, suy tim tiến triển nhanh chóng thành sốc tim.
Ê kíp bác sĩ đã lập tức tiến hành thực hiện phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) thức tỉnh dưới hướng dẫn của màng huỳnh quang tăng sáng.
Đây là chỉ định bắt buộc để cứu sống những bệnh nhân viêm cơ tim có các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm và sốc tim.
Quá trình kỹ thuật tương đối thuận lợi, do là ECMO thức tỉnh nên bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình trong và sau can thiệp, các triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt.
Tưởng rằng với thuận lợi bước đầu như vậy, các bác sĩ đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi bây giờ công việc chỉ là chờ đợi trái tim của người phụ nữ trẻ tự hồi phục sau quá trình viêm.
Nhưng khó khăn dồn dập ập tới, bắt đầu là những triệu chứng ho khan, tiền triệu phù phổi cấp do ảnh hưởng bất lợi của dòng ECMO với quả tim; các bác sĩ đã liên tục điều chỉnh các thông số để có hoạt động phù hợp nhất của máy ECMO. Tiếp theo là những ngày căng thẳng nhất, chân trái nơi đặt đường vào động mạch của máy ECMO của bệnh nhân bắt đầu tê bì, giảm phản xạ, giảm vận động.
Ngay lập tức, kíp bác sĩ khoa hồi sức đã phối hợp với khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch tiến hành chụp mạch chân trái của bệnh nhân, phát hiện có tắc hoàn toàn động mạch khoeo do huyết khối và đã được tiến hành lấy huyết khối.
Lấy huyết khối khi vẫn chạy ECMO
Việc can thiệp nội mạch lấy huyết khối mạch chi trong điều kiện bệnh nhân đang chạy ECMO là cực kỳ khó khăn, do đường vào ECMO đã bít tắc hoàn toàn động mạch đùi của bệnh nhân. Nhiều lúc, kíp can thiệp đã nghĩ tới phương án mở mạch tại phòng mổ, nhưng cuối cùng đã tiếp cận được động mạch đùi của bệnh nhân và lấy huyết khối thành công.
Chính vì biến chứng kể trên, quá trình nằm viện của bệnh nhân N.T.T đã bị kéo dài, nhiều lúc những tưởng đôi chân của cô gái trẻ đã vĩnh viễn mất đi chức năng. Nhưng nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, phối hợp điều trị giữa các phương pháp phục hồi chức năng và y học cổ truyền, chân trái của bệnh nhân dần dần lấy lại được cảm giác và vận động.
Bệnh nhân vừa được xuất viện với triệu chứng yếu liệt chi trái được cải thiện rất nhiều. Hy vọng sau một thời gian phục hồi chức năng, cô gái trẻ có thể "nhảy nhót" bình thường.
TS, bác sĩ Đặng Việt Đức, khoa Hồi sức Tim mạch (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết: “Hệ thống ECMO Cardiohelp là phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại, là phương tiện cứu sống bệnh nhân khi mắc những căn bệnh còn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu như viêm cơ tim, viêm phổi ARDS do Covid…
Tuy nhiên, ECMO là một biện pháp hỗ trợ cơ học xâm lấn, tham gia vào hệ thống tuần hoàn lớn nên có rất nhiều những biến chứng trong suốt quá trình chạy máy. Các biến chứng thường gặp như tan máu, giảm tiểu cầu, nhiễm trùng huyết, phù phổi, thiếu máu chi dưới bên đặt đường vào động mạch của máy ECMO…
Biến chứng thiếu máu chi có thể dẫn tới nguy cơ cắt cụt hoặc liệt hoàn toàn ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và chất lượng cuộc sông của bệnh nhân. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải phát hiện sớm biến chứng này và có biện pháp can thiệp kịp thời cho bệnh nhân, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này".
Viêm cơ tim là bệnh gì?
"Viêm cơ tim là tình trạng viêm lớp cơ dày của thành tim khiến cơ tim bị tổn thương viêm và hoại tử, ảnh hưởng tới chức năng co bóp của cơ tim. Bệnh viêm cơ tim nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến suy tim nhanh chóng và đe dọa tính mạng người bệnh.
Viêm cơ tim có thể biểu hiện dưới nhiều triệu chứng và mức độ khác nhau, từ nhẹ, triệu chứng mơ hồ đến rất nặng, sốc tim và tử vong. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim giãn với suy tim mạn tính.
Bệnh viêm cơ tim cấp thường xuất hiện ở những người trẻ từ 20 - 40 tuổi. Thường gặp nhiều ở mùa mưa khi thời tiết chuyển mùa.
Đây là căn bệnh có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn...hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ.
Bệnh viêm cơ tim cấp chỉ sau vài ngày đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy, nếu bị cảm sốt và đi kèm theo những biểu hiện khác thường: tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh...thì người bệnh cần lập tức đến cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời"
Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt,khoa Khám bệnh - Nội khoa (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.