Sự tích Hoàng Phi Yến “bôi nhọ vua Gia Long”: Nguyễn Phước tộc phản bác quan điểm của Cục Di sản

Trần Hòe Thứ ba, ngày 03/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Luật sư Tôn Thất Nhân Tước - Ban Pháp lý Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã đưa ra những luận điểm phản bác thông tin từ đại diện Cục Di sản văn hóa về việc đưa Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Hội trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) đã tổ chức tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản". Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học lịch sử ở TP.HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế…

Sự tích Hoàng Phi Yến “bôi nhọ vua Gia Long”: Nguyễn Phước tộc phản bác quan điểm của Cục DSVH - Ảnh 1.

Hội trị sự Nguyễn Phước tộc tổ chức tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản" với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học lịch sử. Ảnh: Lê Phạm.

Những ý kiến tại buổi tọa đàm đã làm rõ việc bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long. Các tài liệu lịch sử được đưa ra tại tọa đàm cũng đã chứng minh không hề có chuyện Nguyễn Ánh ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn.

Sau bổi tọa đàm, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan về việc rút Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc này nhằm trả lại sự trong sạch của vua Gia Long trước nghi án "bỏ vợ, giết con" và để không làm xuyên tạc lịch sử…

Sau sự việc này, trả lời báo chí, bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho rằng, việc ghi danh lễ giỗ bà Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xem xét ở góc độ của Luật Di sản văn hóa và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa năm 2003, không xem xét dựa trên yếu tố lịch sử.

Sự tích Hoàng Phi Yến “bôi nhọ vua Gia Long”: Nguyễn Phước tộc phản bác quan điểm của Cục DSVH - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký tên vào đơn kiến nghị rút Lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để trả lại sự trong sạch cho vua Gia Long trước nghi án “bỏ vợ, giết con” và không làm xuyên tạc lịch sử. Ảnh: B.N.

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh An Sơn Miếu (Miếu An Sơn, nơi diễn ra Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến) của tỉnh Bà Rịa - Vũng và hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đều thể hiện bà Hoàng Phi Yến - Lê Thị Răm, Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh - là nhân vật truyền thuyết. Đây là một biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hoá, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể…

Sau thông tin từ đại diện Cục Di sản văn hóa, luật sư Tôn Thất Nhân Tước - Ban Pháp lý Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã đưa ra những luận điểm phản bác những thông tin này.

Theo luật sư Tôn Thất Nhân Tước, nhận định của đại diện Cục Di sản văn hóa thiếu khách quan và trái với nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân về phát triển bền vững được quy định tại Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003.

Sự tích Hoàng Phi Yến “bôi nhọ vua Gia Long”: Nguyễn Phước tộc phản bác quan điểm của Cục DSVH - Ảnh 3.

PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long. Ảnh: Lê Phạm.

"Chúng tôi mạnh dạn phát biểu quan điểm đó bởi lẽ dòng họ Nguyễn Phúc (Nguyễn Phước- PV) là một cộng đồng người được lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ. Việc Bộ VHTTDL công nhận Lễ giỗ bà Phi Yến là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự thiếu tôn trọng dòng họ Nguyễn Phúc, bởi di sản đó đã xúc phạm lên nhân vật lịch sử tiêu biểu là Hoàng đế Gia Long", luật sư Tôn Thất Nhân Tước cho hay.

Theo ông Tôn Thất Nhân Tước, việc Bộ VHTTDL công nhận Lễ giỗ bà Phi Yến là di sản phi vật thể cấp quốc gia còn vô hình đã làm hạ thấp giá trị Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa được UNESCO công nhận năm 1993. Tại Quần thể di tích cố đô Huế có Thế Tổ Miếu là nơi thờ tự Hoàng đế Gia Long và các đời vua kế tiếp, có lăng tẩm Hoàng đế Gia Long.

"Bộ VHTTDL đã vi phạm Điều 4 quy định những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa", ông Tước nói.

Cũng theo ông Tước, việc Bộ VHTTDL cho rằng, bà Hoàng Phi Yến - Lê Thị Răm là Thứ phi chúa Nguyễn Phúc Ánh là đã không nhận diện được thế nào là thứ phi. Theo ông, không thể nghe mà không đối chiếu với tư liệu và tài liệu lịch sử để khẳng định đúng sai của một nhân vật lịch sử.

Sự tích Hoàng Phi Yến “bôi nhọ vua Gia Long”: Nguyễn Phước tộc phản bác quan điểm của Cục DSVH - Ảnh 4.

Các nhà nghiên cứu phát biểu tại buổi tọa đàm "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản" khẳng định, không hề có chuyện Nguyễn Ánh ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn. Ảnh: Lê Phạm.

Ngoài ra, theo ông Tước, việc Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng "không xem xét yếu tố lịch sử" Lễ giỗ bà Phi Yến trong danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia là đã vi phạm Luật Di sản văn hóa. Ông Tước nói, khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hóa nêu rõ: "Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác". Vì vậy, xác định giá trị lịch sử là một yếu tố cấu thành của di sản văn hóa phi vật thể.

Trên cơ sở đó, ông Tôn Thất Nhân Tước kiến nghị Bộ VHTTDL căn cứ khoản 2 Điều 18 Luật di sản văn hóa để ban hành quyết định thu hồi Quyết định số 773/QĐ- BVHTTDL ngày 4 tháng 4 năm 2022 về việc đưa "Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khoản 2 Điều 18 Luật Di sản văn hóa quy định: "Trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem