PGS.TS Đỗ Bang: “Sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long”

Trần Hòe Chủ nhật, ngày 01/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS Đỗ Bang, sự tích bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ghi trên bia di tích An Sơn miếu (Bà Rịa Vũng Tàu) là không đúng với sự thật lịch sử. Vì vậy, cần thẩm định giá trị lịch sử di tích An Sơn miếu và Di sản phi vật thể cấp Quốc gia về Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến.
Bình luận 0

Liên quan đến việc Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử kiến nghị rút Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, PGS.TS Đỗ Bang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vừa có bài tổng kết ý kiến của các nhà nghiên cứu chứng minh sự tích Hoàng Phi Yến là sự xuyên tạc lịch sử để nhằm bôi nhọ hình ảnh vua Gia Long.

PGS.TS Đỗ Bang: “Sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long” - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Bang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (người đứng) phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản". Ảnh: Lê Phạm.

Theo PGS.TS Đỗ Bang, các ý kiến tại buổi tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản" đều thống nhất là Nguyễn Ánh không đến Côn Đảo trong lần bị quân Tây Sơn truy đuổi vào năm 1783. Lý do là bởi, trước năm 1783, tư liệu không minh chứng việc Nguyễn Ánh đã từng ra Côn Đảo.

Vì bôn tẩu ra Côn Đảo, Nguyễn Ánh sẽ bị sa vào tử địa, khi bị bao vây sẽ không có một nước thứ hai để tránh trú an toàn. Do vậy, Nguyễn Ánh đã chọn vùng biển đảo Tây Bắc, nơi có Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Cổ Cốt, Cổ Long…  Nếu bị truy đuổi, Nguyễn Ánh sẽ dễ dàng qua Xiêm hoặc Chân Lạp.

Trong trận chiến năm 1783, Đại Nam thực lục có ghi về việc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn vây 3 vòng thuyền tại Côn Lôn. Nhưng địa danh Côn Lôn vào thế kỷ XVIII, theo Lê Quý Đôn, là có đến 3 địa điểm, chỉ vùng đảo ngoài khơi Bình Thuận (Phú Quý), đảo Côn Lôn (Côn Đảo) và đảo Phú Quốc hiện nay, chứ không chỉ dành riêng cho Côn Đảo.

PGS.TS Đỗ Bang: “Sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long” - Ảnh 2.

Văn bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử về việc rút Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: B.N.

Từ Phú Quốc đến Côn Đảo có chiều dài gần 400 km đường biển. Nguyễn Ánh bị truy đuổi trong tháng 6 âm lịch là hướng ngược gió mùa Đông Nam và cũng là hướng tiến quân của Tây Sơn nên khó khả thi.  

PGS.TS Đỗ Bang cho hay, theo sử liệu, sau khi thoát khỏi vòng vây, Nguyễn Ánh đến đảo Cổ Cốt một cách dễ dàng. Như vậy, đảo Cổ Cốt ở vị trí trong vịnh Xiêm La nằm về phía tây bắc Phú Quốc là không quá xa đảo Côn Lôn như sử liệu đã mô tả, nên rất có khả năng đảo Côn Lôn theo ghi chép của Đại Nam thực lục là đảo Cổ Long (Cổ Rổng, Kok Rong) về phía tây bắc Phú Quốc trong vịnh Xiêm La. Và chỉ có đảo nhỏ này, quân đội Tây Sơn mới vây được 3 vòng thuyền là có lý hơn việc bao vây Côn Đảo.

Mặt khác, trong khi Phú Quốc và các đảo trong vịnh Xiêm La, như Thổ Chu, Nam Du, Cổ Cốt… nơi Nguyễn Ánh từng lưu dấu đều có địa danh mang tên Bến Ngự (Bãi Ngự), thì Côn Đảo tuyệt nhiên không lưu lại tên gọi này. Do vậy, việc Nguyễn Ánh đến Côn Đảo là điều không thể có.

PGS.TS Đỗ Bang: “Sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long” - Ảnh 3.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký tên vào đơn kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để trả lại sự trong sạch cho vua Gia Long trước nghi án “bỏ vợ, giết con” và không làm xuyên tạc lịch sử. Ảnh: Lê Phạm.

PGS.TS Đỗ Bang cho biết thêm, truyền thuyết liên quan đến bà Lê Thị Răm- Thứ phi Hoàng Phi Yến và hoàng tử Cải (Hội An) xuất hiện tại Côn Đảo phổ biến từ năm 1933. Chuyện kể rằng, ngôi miếu được xây dựng vào năm 1785 để thờ bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh. Do bà đã ngăn cản Nguyễn Ánh đừng "cõng rắn cắn gà nhà" mà phải chịu số phận bi thảm, về sau chết trở nên hiển linh, được dân chúng ở Côn Đảo rất tin thờ.

Câu ca dao "Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay" ra đời vào năm 1788, tại Thăng Long, khi vua Lê Chiêu Thống cho người sang Trung Quốc cầu viện Thiên triều (nhà Thanh). Sau khi quân Thanh bị đánh bại vào đầu năm 1789, Lê Chiêu Thống xin tỵ nạn tại Trung Quốc. 

Do vậy, bà phi của vua Lê Chiêu Thống tên Nguyễn Thị Kim phải ở lại trong nước, nên câu ca dao này mới ra đời. Câu ca dao trên nhanh chóng phổ biến trên cả nước sau ngày đất nước thống nhất (1802) dưới triều vua Gia Long, nên có người ngộ nhận có liên quan đến chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế sau những năm tháng bôn tẩu trên các vùng biển đảo Nam Bộ.

PGS.TS Đỗ Bang: “Sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long” - Ảnh 4.

Hội trị sự Nguyễn Phước tộc tổ chức toạ đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản" với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học lịch sử. Ảnh: Lê Phạm.

"Tra cứu các nguồn tài liệu chính thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa xác nhận: "Từ khi còn "phục quốc", Nguyễn Ánh chỉ xưng là Nguyễn Vương từ năm 1780, người vợ chính Tống Thị Lan được phong là Nguyên phi, người vợ hai Trần Thị Đang được phong là Nhị phi; và cho đến khi đó, vẫn chưa có bà nào được ban mỹ tự. 

Không thể có một bà phi được gọi là Thứ phi, được ban mỹ tự Hoàng Phi Yến từ khi vua còn "bôn tẩu". Tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử nào về triều Nguyễn.

Tác giả Lê Nguyễn khẳng định, tính phi lịch sử của hai cái tên "Phi Yến - Lê Thị Răm" và "Hoàng tử Cải - Hội An" là tên tưởng tượng. Vì vậy, "không có lý do gì công nhận lễ giỗ của một nhân vật không có thật trong lịch sử là "di sản văn hóa phi vật thể", PGS.TS Đỗ Bang trích dẫn.

Vào ngày 8/4/2007, miếu bà Phi Yến được UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 4/4/2022, Bộ VHTTDL đưa "Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL.

PGS.TS Đỗ Bang: “Sự tích Hoàng Phi Yến là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ vua Gia Long” - Ảnh 5.

Các nhà nghiên cứu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Phạm.

"Sự tích bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ghi trên tấm bia di tích tại An Sơn miếu là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ hình ảnh vua Gia Long nên cần được xóa bỏ. Bên cạnh đó, cần có hội đồng khoa học để thẩm định giá trị lịch sử của di tích cấp tỉnh về An Sơn miếu công nhận vào năm 2007 và Di sản phi vật thể cấp Quốc gia về Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được Bộ VHTTDL công nhận năm 2022" – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định.

Như Dân Việt đã thông tin, trước đó, Hội trị sự Nguyễn Phước tộc tổ chức toạ đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản". Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học lịch sử ở TP.HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế…

Những ý kiến tại buổi tọa đàm đã làm rõ việc bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long. Các tài liệu lịch sử được đưa ra tại tọa đàm cũng đã chứng minh không hề có chuyện Nguyễn Ánh ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn.

Sau bổi tọa đàm, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan về việc rút Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc này nhằm trả lại sự trong sạch của vua Gia Long trước nghi án "bỏ vợ, giết con" và để không làm xuyên tạc lịch sử…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem