Bác sĩ Nguyễn Cao Thắng - Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ chia sẻ với quý độc giả báo Dân Việt về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Theo đó, quan hệ tình dục không trực tiếp gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), nhưng nó có thể làm tăng khả năng xảy ra.
UTI là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó bao gồm niệu đạo, bàng quang, thận và niệu quản. Nhiễm trùng tiểu có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiết niệu. Những nhiễm trùng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiết niệu thường xảy ra phổ biến hơn ở nữ và các yếu tố nguy cơ bao gồm: tiền sử nhiễm trùng tiết niệu; đang hoạt động tình dục; sử dụng chất diệt tinh trùng; đã bước vào thời kỳ mãn kinh; tuổi - người trẻ và người lớn tuổi đều có khả năng phát triển UTIs; mang thai; Bệnh đái tháo đường, béo phì; bất thường cấu trúc của đường tiết niệu; khó khăn trong việc vệ sinh.
Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu có thể bao gồm: đi tiểu đau; cảm giác nóng rát khi đi tiểu; đi tiểu thường xuyên; lượng nước tiểu thấp, ngay cả khi bạn muốn đi tiểu mạnh; tiểu lẫn máu; nước tiểu có mùi hôi.
Quan hệ tình dục có thể làm tăng khả năng phát triển nhiễm trùng tiết niệu. Tuy nhiên, nhiễm trùng tiểu không phải là một loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Vi khuẩn ở vùng sinh dục hoặc hậu môn có thể xâm nhập vào niệu đạo khi quan hệ tình dục nếu không rửa tay khi chạm vào những vùng nhạy cảm đó.
Ngoài ra, đồ chơi tình dục có thể truyền vi khuẩn theo cách này nếu không vệ sinh chúng đúng cách giữa các lần sử dụng. Tiếp đến, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia , có thể gây ra nhiễm trùng tiểu.
Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu không?
Các chuyên gia tranh luận liệu đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu hay không. Nhiều cơ quan y tế, bao gồm trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyên rằng nên đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu. Làm như vậy có thể giúp loại bỏ vi khuẩn ở gần niệu đạo và ngăn chúng xâm nhập vào đường tiết niệu.
Tuy nhiên, nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Family Physician năm 2016 cho thấy rằng việc đi tiểu sau khi quan hệ tình dục không có bất kỳ tác dụng bảo vệ nào có thể đo lường được. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, đó là một điều an toàn và hợp lý để làm.
Các cách khác để ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu
Một số cách khác để ngăn ngừa UTIs bao gồm: không nhịn tiểu; uống đủ nước; giữ vệ sinh tốt, lau từ trước ra sau; sử dụng hàng rào bảo vệ, chẳng hạn như bao cao su , trong khi quan hệ tình dục, đặc biệt là khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn; làm sạch hoàn toàn đồ chơi tình dục; tránh thụt rửa; sử dụng băng vệ sinh thay vì tampon trong kì kinh nguyệt.
Chuyên đề "Sức khỏe quý ông" được tòa soạn báo điện tử Dân Việt bắt đầu triển khai từ ngày 15/9/2021 đều đặn vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Không chỉ dữ liệu khoa học, các câu chuyện, tình huống được đề cập trong bài viết là hoàn toàn có thật, là cơ sở tin cậy để bạn đọc tham khảo.
Chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc không dễ chia sẻ của đấng mày râu, từ đó giúp các anh hướng đến "phong độ, bản lĩnh" trước phái đẹp, cũng như tâm lý vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.