Bởi chính sách tạm trữ thực chất là một giải pháp “chữa cháy”, nhằm giúp kéo giá lúa gạo trong nước lên trong thời điểm giá lúa gạo rớt xuống sâu, từ đó nhằm giúp nông dân không bị lỗ. Nhược điểm của giải pháp này là việc giao cho một mình doanh nghiệp đảm trách là chưa hợp lý.
Bởi doanh nghiệp không đủ tài và lực để làm. Trong nước, họ không đủ tài lực để tổ chức một hệ thống thu mua xuống tận ruộng của nông dân, khiến cho chính sách tạm trữ và hỗ trợ của Nhà nước trong những năm qua chỉ có bộ phận trung gian hưởng lợi còn nông dân không được hưởng gì (hoặc hưởng lợi không đáng kể).
Trong những thời điểm thị trường không thuận lợi, như khi nhu cầu thị trường giảm mà nguồn cung lại tăng hiện nay dẫn đến xuất khẩu khó khăn, thì việc tạm trữ này lại trở thành áp lực cho các doanh nghiệp phải giải phóng hàng để trả nợ ngân hàng. Đặc biệt, khi hết hạn 3 tháng được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải trả nợ, nếu không phải chịu lãi suất như bao doanh nghiệp khác, cùng chi phí lưu kho, bảo quản thì áp lực này càng lớn.
Thực tế đã minh chứng khi mấy tháng qua các doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo đã phải chịu lỗ nặng, hạ giá bán tháo ra để xoay đồng vốn. Vì không đủ sức chịu đựng về tài chính, nên khi lỗ, doanh nghiệp tháo chạy là điều có thể hiểu. Trong khi tạm trữ lúa gạo lại là chính sách chăm lo cho cả một tầng lớp nhân dân, thì nhiệm vụ này chỉ có thể do Nhà nước gánh vác như Thái Lan, Ấn Độ đang làm.
Chúng ta không thể cứ thoái thác với lý do không đủ ngân sách được nữa. Bởi theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thì tại sao Nhà nước giải cứu cho ngành bất động sản với 30.000 tỷ đồng được mà không giải cứu cho 73% dân số trong nước là nông dân, khi mà nước ta là một nước còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp?
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, ngành nông nghiệp nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ 3 vụ lúa sang còn 2 vụ và vụ kia trồng các loại hoa màu, cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. “Lúa có thể trồng ít đi để từ đó chú trọng đẩy mạnh gia tăng giá trị và lợi nhuận thu được cho nông dân trồng lúa. Sau khi đảm bảo lượng lúa gạo cho mục tiêu an ninh lương thực, số lượng còn lại nên sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nước nào cần loại gạo nào thì sản xuất theo nhu cầu đó. Xuất khẩu giảm 2 – 3 triệu tấn nhưng giá trị tăng lên vẫn tốt hơn” - đó là đề xuất của ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.