Tăng kiểm tra hoạt động lao động đi làm việc ở nước ngoài
Yêu cầu mở rộng thị trường, tăng kiểm tra hoạt động đưa lao động đi làm việc nước ngoài
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 24/12/2022 14:57 PM (GMT+7)
Ban Bí thư vừa có chỉ thị về việc mở rộng thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu lao động dừng các hoạt động vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Cụ thể, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Theo chỉ thị, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ; quản lý nhà nước còn phân tán, chồng chéo. Chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao.
Tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc phục. Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh...
Vì thế, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Mở rộng thêm các thị trường mới đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hiện nay, theo báo cáo, cả nước có khoảng hơn 600.000 lao động đang đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm Việt Nam đưa được hơn 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy vậy, số lượng lao động đưa đi có xu hướng tăng về chất lượng và giảm về số lượng.
Trước thực trạng đó, Ban bí thư cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước cho người lao động; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn.
Cơ quan, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước.
Ban Bí thư yêu cầu phân công, phân cấp, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, bảo đảm việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng mục đích, đúng quy định pháp luật.
Chủ động đàm phán, trao đổi thông tin với các nước về nhu cầu, quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam, bảo đảm có việc làm ổn định, tiền lương thỏa đáng và an toàn.
Tăng cập nhật dữ liệu quản lý lao động, kiểm tra giám sát hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định cơ chế cung cấp, thiết lập cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, liên thông đồng bộ dữ liệu người lao động làm việc ở nước ngoài giữa các ngành LĐTBXH, công an, ngoại giao với các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp có liên quan.
Bên cạnh đó phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ngoài nước; quản lý chặt chẽ đảng viên là người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chỉ thị; ban hành chiến lược đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan.
Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, sớm chấm dứt tình trạng đưa người dân đi lao động ở nước ngoài trái phép, người lao động vi phạm pháp luật nước sở tại, hoặc tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.