Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022: Lao động vui mừng, doanh nghiệp "than"

Thùy Anh Thứ tư, ngày 13/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Sau 2 năm không được tăng lương tối thiểu vùng, trong khi người lao động tỏ ra vui mừng thì doanh nghiệp lại cho rằng họ chưa sẵn sàng để tăng lương từ 1/7/2022 này.
Bình luận 0

6 năm làm công nhân, lương vẫn chỉ ở mức lương tối thiểu vùng - 4,5 triệu đồng/tháng

Bùi Thị Hảo, 25 tuổi quê ở Nghệ An đang là công nhân của một công ty may ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Hảo ở cùng đồng nghiệp của công ty trong căn phòng trọ chưa được 12m2.

6 năm làm công nhân, vì chuyển qua nhiều công ty nên Hảo vẫn chỉ nhận ở mức lương tối thiểu vùng (không được cộng lương thâm niên).

tăng lương tối thiểu vùng

Thảo nhẩm tính số tiền lương ít ỏi còn lại xem có đủ chi tiêu tiền ăn trong tháng. Ảnh: Vũ Nhất

"Hiện giờ, lương của mình chỉ 4,5 triệu đồng/tháng (cao hơn lương tối thiểu vùng I là 8.000 đồng). Tháng nào tăng ca, tăng kíp, cộng thêm các khoản phụ cấp nữa mới được khoảng 5,5-5,8 triệu đồng/tháng", Thảo nói. 

Khoản tiền lương chưa đầy 6 triệu đồng/tháng với một lao động sống ở Hà Nội như Thảo quả thật rất thấp. Tính ra, nguyên tiền thuê nhà và điện nước, mỗi tháng cô và bạn cũng phải trả mất 1,2 triệu đồng. Cộng tiền ăn, tiền sinh hoạt phí cũng mất thêm khoảng 2,5 triệu đồng. Bố mẹ của Thảo ở quê làm ruộng thu nhập thấp, mặc dù bố có đi phụ hồ thêm nhưng ngày làm được, ngày không. Vì thế cô trở thành lao động chính phải lo toan mọi việc trong nhà.  

"Để tiết kiệm tiền, mỗi ngày em chỉ dám chi 50.000 đồng tiền ăn. Tất cả các khoản khác đều phải cắt giảm tối đa. Bố mẹ ở quê cũng làm vất vả lắm, nên hàng tháng em vẫn tiết kiệm từ 1-2 triệu đồng gửi về phụ giúp bố mẹ", Thảo Kể.

Niềm vui "kép" ùa đến khi cô công nhân bỗng nghe tin được hỗ trợ tiền thuê trọ và sắp được tăng lương tối thiểu vùng.

Sáng 12/4, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp và bỏ phiếu quyết định tăng lương tối thiểu năm 2022 lên 6%. Mức tăng cụ thể: vùng 1 tăng 260.000 đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng; vùng 3 tăng 210.000 đồng và vùng 4 tăng 180.000 đồng.

Nếu được Chính phủ chấp thuận, mức điều chỉnh tối thiểu vùng năm 2022 sẽ được thực hiện từ 1/7/2022 và kéo dài tới hết năm 2023 (18 tháng). Bình thường mức lương tối thiểu vùng chỉ được điều chỉnh trong 1 năm, sau đó Hội đồng tiền lương sẽ họp và thương thảo đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm tiếp theo.

"Với tụi em, dù lương chỉ tăng 200-300 nghìn đồng/tháng thôi cũng là một khoản tiền đáng kể rồi. Với từng ấy tiền, em có thể ăn được 4-5 ngày", Thảo chia sẻ.

Với chị Nguyễn Thị Nhi (Công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) thì hơi khác. Dù rất vui trước thông tin sắp được tăng lương tối thiểu vùng nhưng chị lại thể hiện nỗi niềm băn khoăn khó tả: "Hiện giờ lương tôi đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng, vậy tới đây khi tăng lương tối thiểu vùng tôi có được doanh nghiệp tăng lương nữa không?".

Chị Nhi cũng lo lắng vì sợ “lương tăng một, giá cả có khi tăng hai ba lần". Chị Nhi hy vọng, giá cả sẽ được bình ổn, lương sớm tăng để đời sống những người công nhân như chị bớt khổ.

Doanh nghiệp "than" tăng lương tối thiểu quá gấp

Trong khi đời sống của người lao động quá vất vả, việc tăng lương là việc không thể dừng lúc này thì nhiều doanh nghiệp vẫn nói họ chưa sẵn sàng để tăng lương.

Tuy đồng thuận với việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6%, nhưng đại diện người sử dụng lao động, cùng cộng đồng doanh nghiệp cho rằng thời điểm tăng lương từ 1/7/2022 là khá gấp nên lùi lại tới 1/1/2023. Bất chấp những ý kiến trái chiều, sáng qua (12/4) Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua việc tăng lương tối thiểu vùng. Quyết định sẽ tăng lương từ 1/7/2022 thay vì 1/1/2023.

tăng lương tối thiểu vùng

Lương tối thiểu vùng tăng cũng sẽ tạo ra sức ép lớn với các doanh nghiệp có sử dụng đông lao động. Ảnh: N.T

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm chưa đồng tình lắm với phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6%, đặc biệt thời gian tăng từ 1/7/2022 này. 

Ông Phòng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn, doanh nghiệp đang dần phục hồi, vì thế nếu tăng lương ngay lập tức sẽ càng tạo sức ép lên doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp cũng giống như người ốm vậy, cần thời gian để phục hồi. Giờ người ốm chưa khỏe cho ra đường là ốm lại ngay. Vì vậy, việc điều chỉnh phù hợp, thận trọng", ông Phòng nói.

Ông Phòng cho rằng việc tăng lương thời điểm từ 1/7/2022 sẽ khiến cho doanh nghiệp rất khó khăn, vì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều chỉ số (đơn hàng, tiền lương, mức tăng trưởng...) được doanh nghiệp chốt từ đầu năm 2022, giờ phải điều chỉnh thì rất vất vả.

"Tuy vậy, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt đồng ý với mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. 17/17 phiếu của Hội đồng tiền lương quốc gia đồng ý tăng lương ở mức 6%, có 2 phiếu đồng ý mức tăng, nhưng không đồng ý về thời gian tăng lương từ 1/7/2022", ông Phòng nói.

Hiện nay các doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài đang khuyến nghị được điều chỉnh tăng lương từ 1/1/2023. Vì thế, chắc cần phải có những buổi thảo luận trao đổi, chia sẻ thêm để doanh nghiệp hiểu, đồng thuận với chính sách. 

 Nhiều doanh nghiệp lo ngại, lương tối thiểu vùng tăng sẽ kéo theo  một loạt các chi phí gia tăng. Lương tối thiểu tăng cũng sẽ khiến cho chi phí đóng BHXH, chi phí tiền lương; lương tăng ca... tăng theo.

Ông Mai Xuân Dương - Phó chủ tịch Hiện hội Dệt May Việt Nam thì cho rằng tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng đông lao động như khối ngành dệt may, thủy sản. 

"Mặc dù đại bộ phận các doanh nghiệp đã trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, nhưng thực tế khi lương tối thiểu vùng tăng, các doanh nghiệp vẫn phải điều chỉnh thêm một lần nữa mức lương, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này lại càng làm gia tăng thêm sức ép với các doanh nghiệp", ông Dương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem