Tăng trưởng GDP có thể lên tới 7,5% trong năm 2022?
Tăng trưởng GDP có thể lên tới 7,5% trong năm 2022?
Huyền Anh
Thứ bảy, ngày 13/11/2021 07:38 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực. Theo dự báo, tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 2% trong năm 2021 và có thể lên tới 7,5% trong năm 2022.
Kinh tế chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 2%
Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021.
Theo WB, số liệu kinh tế-xã hội tháng 10/2021 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy, nhưng cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã khởi sắc khi các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, cho dù vẫn chưa phục hồi về mức được ghi nhận trước đợt bùng phát dịch tháng 4/2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9 và chỉ thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục.
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tháng thứ hai liên tiếp do nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Tính chung 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.
Về FDI, cả nước đã thu hút được 23,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong 10 tháng, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù giá nhiên liệu tăng, nhưng lạm phát vẫn giảm nhẹ do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng khác còn yếu.
Tăng trưởng tín dụng ổn định trong tháng 10 và lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại sau 4 tháng giảm.
Theo các chuyên gia của WB, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.
Cùng chung nhận định, các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán VNDirect trong báo cáo vừa phát hành, cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang dần đi vào quỹ đạo phục hồi.
Biểu hiện là ngành dịch vụ phục hồi nhẹ trong tháng 10 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1% so với tháng trước; PMI lần đầu tiên trở lại mức trên 50 điểm kể từ tháng 6 năm 2021, cho thấy hoạt động sản xuất phục hồi trong tháng 10/2021; lạm phát trong tháng 10 của Việt Nam chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Từ đó, VNDirect dự báo, tăng trưởng GDP quý IV/2021 là 3,3%, trong khi quý III/2021 giảm 6,17%, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ước khoảng 2,0%.
GDP có thể tăng 7,5% vào năm 2022?
Về kinh tế 2022, chuyên gia VNDirect dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% vào năm 2022.
Kết quả này có được trong điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022; 70-75% dân số Việt Nam sẽ được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 trong nửa đầu năm 2022.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn thành công và đẩy lùi đại dịch", VNDirect nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc các chuyến bay thương mại quốc tế có thể được nối lại từ quý I/2022, điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch vào năm 2022, một trong hai động lực chính cho sự phục hồi trong ngành dịch vụ của Việt Nam, cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Một số yếu tố khác như: Chính phủ sẽ duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lượng vốn đầu tư công sẽ tăng lên vào năm 2022 khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công. Vốn đầu tư khu vực tư nhân cũng như vốn FDI cũng có thể phục hồi mạnh nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau đại dịch.
Đối với ước tính tăng trưởng của năm 2022, tại tọa đàm vừa diễn ra, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng kinh tế sẽ không thể phục hồi nhanh theo hình chữ V, tức là từ mức rất thấp lên rất cao.
Khả năng được cho khả thi nhất là tăng trưởng đạt 5,8% trong năm này với giả định, kinh tế thế giới hồi phục tốt; kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện; một số nền kinh tế lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản) đạt mức tăng trưởng dương trở lại (Mỹ có thể đạt 3-3,5%; Trung Quốc ở mức trên 5%); không phát sinh các ổ dịch lớn trong nước.
Ngoài ra, một giả định tương đối quan trọng đó là các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai tốt và hiệu quả hơn năm 2021.
Với giả định dịch hoàn toàn được khống chế, chuỗi cung ứng phục hồi nhanh và chi phí logistics giảm nhanh, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đạt hiệu quả cao, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 6,7%.
Chiều 12/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.
Với 472/472 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong các chỉ tiêu chủ yếu có nêu rõ: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%
Vui lòng nhập nội dung bình luận.