Mới đây, Tập đoàn Foxconn đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng về việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Theo đề xuất, doanh nghiệp Foxconn giới thiệu đến từ Đài Loan, là đơn vị chuyên về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và cho biết do nhu cầu phát triển nên cần giải quyết chỗ ở ổn định cho công nhân trong các khu công nghiệp. Foxconn thông qua các công ty con đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội ngay cạnh các khu công nghiệp có lao động của tập đoàn này.
Cả 3 dự án nhà ở xã hội này đều gắn với 3 khu công nghiệp mà các công ty con của Foxconn đã rót vốn đầu tư, đó là khu công nghiệp Quế Võ, khu công nghiệp Vân Trung và khu công nghiệp Bình Xuyên. Cụ thể: Dự án công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town với quy mô 9,9ha gần KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, quy mô 16,7ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội Golden Park gần KCN Quế Võ, Bắc Ninh, có quy mô 6,3ha, tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng.
Foxconn đề xuất cho phép các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân ở tại 3 dự án nhà ở xã hội để chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ở của công nhân đang làm việc cho tập đoàn.
Tập đoàn này cũng cho rằng, các dự án trên đều đồng bộ công trình nhà ở chung cư và các tiện ích hạ tầng xã hội như y tế, trường học, chợ, thể thao… để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, ổn định đời sống sinh hoạt cho cư dân trong và ngoài dự án.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh, cho biết vẫn chưa nhận được văn bản nêu trên của Tập đoàn Foxconn. Tuy nhiên, theo ông Ninh, luật chưa có nếu muốn được cho phép thì phải sửa luật. "Trong luật chỉ cho phép bán cho hộ gia đình, cá nhân chứ không bán cho tổ chức", ông Ninh nói.
Đồng quan điểm với đại diện Bộ Xây dựng, luật sư Hoàng Văn Đạo, Hội Luật gia Việt Nam, cho biết theo Luật Nhà ở năm 2014, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được phép mua nhà ở riêng lẻ, chứ chưa có quy định về việc được phép mua nhà ở xã hội.
"Để đề xuất được thông qua phải có cơ chế đặc thù riêng hoặc cần phải có sự sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Muốn sửa luật thì phải có được sự thông qua của Quốc hội, theo tôi vấn đề này không dễ dàng", ông Đạo nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia Vũ Quang Vinh cho biết, đối với công nhân ở các KCN thì thường không có sự ổn định lâu dài về việc làm. Thứ nhất, do nhiều công nhân có xu hướng thường xuyên thay đổi nơi làm việc; Thứ hai, các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên trẻ hóa đội ngũ công nhân của mình.
"Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có quy tắc không sử dụng công nhân đến ngoài 40 tuổi, nên các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để thuê, mua để bán được sản phẩm là vấn đề khiến cho chủ đầu tư dự án quan ngại. Vì vậy, đề xuất cho các chủ doanh nghiệp được thuê mua nhà ở xã hội cho công nhân của mình ở cũng nên được nghiên cứu cho phù hợp", ông Vinh cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.