Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Với tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã không ngừng vươn lên làm giàu, giúp đỡ, liên kết nhằm phát triển các mô hình kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mô hình kinh tế trồng cây cảnh xen canh tổng hợp của thanh niên Đào Văn Thuận, xóm 3, xã Tân Linh là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học hết cấp 2, anh Đào Văn Thuận đã bươn chải khắp nơi và làm nhiều nghề khác nhau như: lái xe du lịch, kinh doanh buôn bán…để mưu sinh.
Sau hơn 8 năm làm nghề lái xe chở khách du lịch, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, thấy nhiều mô hình kinh tế có giá trị anh Thuận đã tích luỹ được nhiều ý tưởng hay và có được một số kinh nghiệm về trồng các loại cây, trong đó có cây cảnh có giá trị kinh tế, anh Thuận đã quyết định nghỉ lái xe.
Anh Thuận trở về quê hương bắt tay vào trồng chè giống mới và trồng xen canh các loại cây ăn quả, cây cảnh trên tổng diện tích đất vườn đồi hơn 3 ha.
Anh Đào Văn Thuận – xóm 3, Tân Linh chia sẻ: “ Gia đình tôi có diện tích đất cha ông để lại rất lớn hơn 3 ha, đi làm ở ngoài thì rất lãng phí, nên tôi đã quyết định quay về đầu tư vào trồng cây ăn quả, trồng cây cảnh. Mảnh đất Tân Linh rất thích hợp với trồng đào cảnh, bà con nhân dân ở đây trồng cây đào chỉ để cho, tặng bạn bè, còn gốc của cây đào lại vứt bỏ đi, rất lãng phí.
Trong thời gian làm lái xe du lịch, tôi có đưa khách đến thăm quan làng Đào Nhật Tân, làng Đào Cam Giá, tôi thấy ở đây họ thu mua số lượng rất lớn gốc đào cảnh mà ở quê mình thì lại bỏ đi rất lãng phí. Tôi đã trao đổi với họ, họ sẽ thu mua lại gốc đào, đổi lại họ dạy cho tôi kỹ thuật trồng cây cảnh, chăm sóc cây đào tết, làm sao để cho cây hoa đào nở hoa đúng dịp Tết”.
Hiện tại, mỗi lứa gia đình anh Thuận thu 1 tạ chè khô, bên cạnh trồng chè anh trồng 200 gốc đào cổ, đào Nhật Tân, trên 100 gốc nho thân gỗ và khoảng 500 gốc mít ruột đỏ và mít Thái cùng nhiều loại cây vừa cho thu quả vừa làm cây cảnh như: cây hoa sim rừng, cây chery….
Anh Thuận chia sẻ: anh bén duyên với nghề trồng cây cảnh, trong đó có trồng đào cảnh được 3 năm nay, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây đào từ bạn bè, liên kết, trao đổi với các nhà vườn trồng đào Nhật Tân (Hà Nội), nhà vườn Cam Giá (Thái Nguyên) anh luôn luôn tự mình tìm hiểu thêm trên mạng để tích luỹ kinh nghiệm trồng đào cảnh.
Những kỹ thuật trồng đào cảnh, kinh nghiệm trồng cây cảnh được anh Thuận áp dụng để làm sao cho đào ra hoa đúng dịp Tết, cung cấp ra thị trường, tăng thu nhập cho gia đình.
Dịp tết năm ngoái anh bán ra thị trường trên 150 gốc đào cổ thụ, trên 1.000 gốc đào nhỏ thu lãi 100 triệu đồng. Năm nay, anh dự tính bán ra khoảng 200 gốc đào cổ.
Bên cạnh đó, để dụng những khoảng trống giữa các luống chè anh trồng xen canh mít Thái và mít ruột đỏ, với giá bán 15.000 đồng/kg, năm đầu tiên bói quả anh thu khoảng 50 triệu đồng.
Ngoài việc trồng đào cảnh, trồng mít cho thu quả anh Thuận còn trồng thêm nho thân gỗ, đây là loại cây vừa cho thu quả, vừa làm cây cảnh, hiện nay đang được rất nhiều người tìm mua.
Anh Đào Văn Thuận – xóm 3, Tân Linh thông tin: “ Thời gian tới , tôi xác định cây đào là cây thế mạnh, gia đình tôi đã mượn được trên 1ha ruộng để cải tạo trồng Đào, chủ động trong việc cấy, ghép cây giống. Bên cạnh đó trồng thêm cây nho thân gỗ, mít ruột đỏ, cây chery…..có giá trị kinh tế cao, để vừa bán cây cảnh, vừa bán bán quả”
Không chỉ mạnh dạn, dám tìm những cây trồng mới đưa vào thử nghiệm để từ đó phát triển và nhân rộng phát triển kinh tế anh Đào Văn Thuận còn được biết đến là một đoàn viên thanh niên có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt từ thiện tại địa phương và truyền lửa nhiệt huyết cho nhiều đoàn viên thanh niên khác trong phát triển kinh tế từ chính vườn đồi quê hương.
Mô hình kinh tế của anh đang tạo việc làm thời vụ cho 5 đến 7 lao động với mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng vào dịp cuối năm từ việc chăm sóc đào cảnh.
Ông Bùi Khắc Tiến – Bí thư Đảng uỷ xã Tân Linh đánh giá: “Hiện nay, trên địa bàn xã có rất ít đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế ở địa phương, chủ yếu là đi làm ăn xa; Mô hình trồng cây cảnh xen canh cây ăn quả của đoàn viên Đào Văn Thuận có thể nói là mô hình điểm của xã
Qua mô hình của anh Thuận, chúng tôi cũng mong muốn các đoàn viên thanh niên khác trở về quê hương phát triển kinh tế từ chính đồng đất quê hương. Chúng tôi tạo mọi điều kiện, khuyến khích cho các đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế”
Anh Đào Văn Lượng – Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Tân Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết thêm: Đoàn viên Thuận là một người rất mạnh dạn, có tinh thần học hỏi, là đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, cũng như các hoạt động từ thiện, tình nguyện.
Thời gian qua, đồng chí Thuận đã có rất nhiều đóng góp trong việc kêu gọi, ủng hộ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, được Hội chữ thập đỏ huyện đánh giá cao. Đây cũng là mô hình cho các đoàn viên thanh niên khác học tập, và đồng chí Thuận cũng rất tâm huyết giúp đỡ những đoàn viên thanh niên nào có nhu cầu học hỏi”
Có thể nói, với sự năng động, sáng tạo, anh Đào Văn Thuận thực sự là tấm gương tiêu biểu về tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám thử sức với cái mới” để nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) học tập và làm theo với mô hình trồng cây cảnh xen canh cây ăn quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.