Tháng Chạp Mả, đến hẹn lại... về quê

Thứ bảy, ngày 18/01/2014 13:05 PM (GMT+7)
Mỗi năm, cứ bắt đầu bước sang tháng Chạp, bố tôi lại chuẩn bị khăn gói lên đường về quê, không ngoài mục đích dự “Chạp mả” cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Bình luận 0
Theo phong tục Việt, tháng Chạp còn gọi là tháng “Chạp mả” - một truyền thống tâm linh bao đời đã ăn sâu trong tâm thức những người con đất Việt, cũng là một hoạt động mang tính truyền thống trong dòng tộc, giáo dục con cháu về nguồn gốc dòng họ, giới thiệu cho con cháu biết đó là mồ mả của những người có vai vế trong dòng họ.

Trong họ tộc của bố tôi cũng vậy, hằng năm đều có một ngày "Chạp" cố định. Bởi thế, “đến hẹn lại lên”, dù phải vượt qua hơn một ngàn cây số từ miền Nam ra đến miền Bắc, nhưng không năm nào bố tôi vắng mặt.

Ở quê, Chạp mả được xem là ngày lễ quan trọng của dòng tộc, theo phong tục truyền thống bao đời, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, nhớ về cội nguồn. Con cháu các thế hệ mong muốn năm mới đến, tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị tươm tất, phải chăm sóc sửa sang các phần mộ người thân … để người đã khuất cũng được ăn Tết như người sống.

Thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên
Thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên

Một năm chỉ có một lần nên ai cũng tranh thủ về để có mặt đông đủ. Nếu con cháu không có mặt vào những ngày này thì rất có lỗi với cha ông và bị người lớn quở trách. Công việc Chạp mả được cháu con thực hiện nghiêm túc, thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.

Đến ngày đã quy định, bất kể thời tiết xấu tốt, trời vừa hừng sáng, cánh đàn ông nông dân, trai tráng, lo việc dẫy mả tảo mộ, cánh phụ nữ lo việc bếp núc, các chị, các mẹ chia phiên nhau mỗi người một việc, kẻ lo chợ búa, người lo sắp xếp bàn ghế , lau khô chén bát.

Thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên
Thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên

Theo thông lệ ở quê tôi, con cháu phải tự dẫy cỏ trên mả để mộ phần ông bà, người thân được sạch sẽ, đẹp đẽ hơn. Trước khi dẫy, vị Trưởng tộc đưa mọi người đến ngôi mộ có vai vế cao nhất, thắp hương khấn vái với thần hoàng bổn xứ và người đã khuất.

Sau khi sửa sang mồ mả, con cháu sẽ thắp nén nhang lên mộ để tưởng nhớ công đức sinh thành của cha ông và mong được tổ tiên phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau gặp nhiều may mắn, làm ăn khấm khá, rạng rỡ công danh, không làm những việc ảnh hưởng xấu tới danh dự của dòng tộc, mọi người trong họ tộc đoàn kết đùm bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau…

Các bà các chị lo việc nấu nướng trong ngày chạp mã
Các bà các chị lo việc nấu nướng trong ngày Chạp mả.

Cũng tại lễ Chạp mã, con cháu làm ăn sinh sống ở nơi xa nay có dịp để gặp gỡ bà con họ hàng của mình, nhận mặt nhau, cùng nhau ôn lại truyền thống của tộc họ và gia đình để đời đời giữ gìn, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết trong dòng tộc, tưởng nhớ từng người đã khuất bóng đang nằm dưới những nấm mồ kia.

Thành kính dâng lên tổ tiên nén hương trầm
Thành kính dâng lên tổ tiên nén hương trầm.

Đúng 11 giờ tại nhà thờ của tộc họ, sau khi "phẩm vật" được dọn lên bàn, các bàn thờ trang trí lộng lẫy, thắp hương đèn sáng loá, hương trầm nghi ngút khói. Ông tộc trưởng cho tiến hành làm nghi thức kính nhớ ông bà tổ tiên, những vị đại diện từng Chi trong họ tộc đứng trước tay cầm mấy nén hương giơ cao khấn vái lạy ba lần, đằng sau con cháu vòng tay đứng hai bên cúi đầu ba cái.

Tất cả cùng thành tâm khấn mời chư vị về nhà thờ tộc để sum họp và hưởng phẩm vật con cháu dâng lên ...cầu xin các đấng đã khuất phù hộ che chở cho con cháu trong tộc họ luôn được đón lành, tránh dữ, phù giúp cho gia đình được bình yên, may mắn về tài lộc, con cái học hành tấn tới rạng ngời công danh, sức khỏe và tràn đầy hạnh phúc… Khi nén hương gần tàn, ông tộc trưởng nói lời cảm ơn đến các Chi trong tộc đã giúp sức rất lớn trong việc tổ chức Chạp mả được thành công tốt đẹp.

Bữa cơm thân mật trong ngày chạp mã
Bữa cơm thân mật trong ngày Chạp mả

Trong không khí thiêng liêng, ấm áp với hương trầm nghi ngút, hình như tổ tiên, ông bà đã về chứng giám, sum họp cùng cháu con.

Mâm cổ được bày lên mọi người theo thứ vị trong tộc cùng con cháu quây quần bên nhau, ăn uống chuyện trò. Nhấm nháp chén rượu đầu xuân tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, để cái Tết sắp tới càng thêm nhiều niềm vui tràn đầy ý nghĩa.

Lâu ngày có dịp gặp lại, các cô, dì, chú, bác, anh, chị... ai ai cũng nói cười rôm rả vui vẻ, thăm hỏi, trò chuyện, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống, công việc làm ăn, mùa màng...
Mỹ Nhân (Mỹ Nhân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem