Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Bộ Công an điều tra sai phạm về xăng dầu liên quan Bộ Công Thương
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra sai phạm về xăng dầu liên quan Bộ Công Thương
Bách Thuận
Thứ năm, ngày 04/01/2024 18:14 PM (GMT+7)
Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cho rằng, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát.
Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cho rằng, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát.
Ngày 4/1, theo thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 4/1/2024, thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định số 396/QĐ-TTCP ngày 13/10/2022 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, ngày 13/11/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Ngày 27/12/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khai về kết luận thanh tra ngày 13/11/2021 của Thanh tra Chính phủ, trong đó giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, đô đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đánh giá, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong nghị định của Chính phủ, xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.
Cụ thể, công ty CP Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp uỷ quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải là công ty con và không được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Tiếp theo, tập đoàn Xăng dầu Việt Nam uỷ quyền cho các công ty con thuộc Tập đoàn được thực hiện ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu, với sản lượng 4.469.821 m3, các công ty cổ phần của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bán tái xuất xăng dầu, với sản lượng 6.266.301 m3.
Cùng với đó, các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho công ty mẹ, mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối, mua xăng dầu của các thương nhân phân phối khác.
Mặt khác, công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư – CTCP (PETEC) – Công ty con của PVOil đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PVOil với 87.801.m3 xăng dầu, các công ty con của PVOil đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác là 131.162 m3/tấn.
Ngoài ra, các công ty con của Công ty TNHH Petro Bình Minh mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 82.673 m3/tấn xăng dầu, bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối và các công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 36.806 m3/tấn, mua bán xăng dầu với nhau với số lượng 278.168 m3/tấn xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an
Qua thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện một số biện pháp cụ thể.
Theo đó, giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát tổng thể, cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý xăng dầu; nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, khẩn trương trình Chính phủ ban hành.
Với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao bộ này nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong việc trích lập, sử dụng và quản lý quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay, khắc phục tình trạng các thương nhân đầu mối kin doanh xăng dầu chiếm dụng, sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích; tổng kết, đánh giá hiệu quả sử dụng và sự cần thiết duy trì quỹ bình ổn giá.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá việc quản lý, điều hành giá xăng dầu thời gian qua về công thức tính giá cơ sở xăng dầu, cơ chế thu thập số liệu để tính toán giá cơ sở hiện nay. Qua đó đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế điều hành giá; nguyên tắc, phương pháp tính giá, bảo đảm phù hợp với quy luật thị trường…
Về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định.
Đầu tiên là chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định với một số nội dung, gồm:
Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng quỹ bình ổn giá tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức;
Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil;
Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; việc sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.