Thông tin "nóng" từ Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về sửa đổi Nghị định 24 quản lý thị trường vàng
Thông tin "nóng" từ Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về sửa đổi Nghị định 24 quản lý thị trường vàng
Huyền Anh
Chủ nhật, ngày 31/07/2022 07:05 AM (GMT+7)
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty Doji cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng chưa hết vai trò lịch sử và mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Đánh giá về Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty Doji, đại diện cho TPBank cho rằng Nghị định 24 sau 10 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm này có thể đánh giá là sự thành công rất lớn.
"Trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Nếu NHNN không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế", ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh.
Cũng theo vị Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập Đoàn Công ty Cổ phần Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI, Nghị định 24 đến giờ vẫn chưa hết vai trò lịch sử. Bởi tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng.
Hơn nữa, Nghị định này còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức.
Sau khi Nghị định 24 ra đời, NHNN và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi... Đây cũng là một thành công rất lớn của Nhị định 24.
"Trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả vô cùng tốt, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn NHNN xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24", ông Phú kiến nghị.
Nêu quan điểm, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách (NHNN) cho rằng, một trong những quy định rất quan trọng của ngành Ngân hàng là Luật NHNN.
Theo quy định của Luật NHNN, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững giá trị của đồng tiền Việt Nam. Vì vậy Nghị định 24 đã nhằm chính xác định hướng của Luật NHNN.
Cụ thể, từ 10 năm trước đây (khi chưa có Nghị định 24), tất cả các giá trị thanh toán lớn trong nền kinh tế hầu hết không được niêm yết giá, không được định giá bằng VND mà được định giá bằng vàng, được giao dịch bằng vàng. Điều này có nghĩa là Luật NHNN không được thực thi, đồng tiền Việt Nam không được tôn trọng.
Với sự ra đời của Nghị định 24 đã tháo gỡ được tình trạng trên – theo ông Quang.
Đến nay, các giao dịch trong nền kinh tế (kể cả giao dịch giá trị lớn) đều được thực hiện bằng Đồng Việt Nam, không còn được thực hiện bằng vàng, nền kinh tế không bị vàng hóa, không bị đô la hóa. Đây là thành tựu quan trọng nhất mà NHNN đã triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định 24 và cần được duy trì, bảo vệ thành quả đã đạt được.
Cũng theo Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách (NHNN), trước đây việc găm giữ vàng, USD trong nền kinh tế là rất lớn, hầu hết các hộ gia định đều có vàng trong danh mục tài sản. Với việc triển khai thực hiện theo Nghị định 24, một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào nền kinh tế.
"Có thể thấy rằng Nghị định 24 phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị Đồng Việt Nam thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế", ông Quang nhấn mạnh.
Việc sửa đổi Nghị định 24 phải trên cơ sở có sự đánh giá kỹ lưỡng
Đứng đầu NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận Nghị định 24 rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua.
Thành công của Nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đây, việc cho phép các TCTD huy động, bán vàng huy động, cho vay nên rất rủi ro. Nghị định 24 đã loại bỏ vấn đề này.
Ngoài ra, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được đảm bảo hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, qua tổng hợp các ý kiến, có một số nội dung của Nghị định 24 cần cân nhắc.
Cụ thể, theo một số đơn vị kinh doanh vàng, đối với vàng trang sức mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước, nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu.
Nghị định 24 đã có khuôn khổ pháp lý cho nhập vàng nguyên liệu, nhưng vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, NHNN quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng.
Việc này NHNN sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro.
Một vấn đề cần quan tâm đó là, nếu nhập khẩu vàng miếng để sản xuất vàng mỹ nghệ đem lại giá trị gia tăng lớn hơn vàng miếng. Vàng trang sức, mỹ nghệ càng tinh xảo thì giá trị càng cao.
Nếu nhập vàng nguyên liệu về để phát triển vàng thị trường trang sức mỹ nghệ lành mạnh thì đóng góp cho kinh tế và tăng trưởng, giúp người dân có thể sử dụng vàng trang sức mỹ nghệ giá rẻ hơn.
Nhưng tránh trường hợp nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất trang sức mỹ nghệ nhưng nếu sử dụng dưới hình thức vàng miếng thì nó sẽ tác động như thế nào đến kinh tế vĩ mô?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thực hiện Nghị định 24, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng.
Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Do đó, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.
Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã từng kiến nghị NHNN sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012. Vì ở thời điểm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm, trong bối cảnh hệ thống luật phát đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24 hiện đã không còn phù hợp.
Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24 cần phải được thay thế cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.
Đồng thời, để phát triển sản xuất vàng trang sức, đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất.
Đây cũng là giải pháp quan trọng để thu hẹp giá vàng trong nước và quốc tế không có sự chênh lệch cao như vừa qua, lên đến 17-20 triệu đồng/lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.