Thú bắt cá đìa và bắt hôi nơi đồng quê

Phúc Lộc Thứ hai, ngày 04/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
Nhớ hằng năm, cứ từ tháng Giêng cho đến hết tháng Ba âm lịch, bà con nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau thường khai thác cá đồng bằng cách tát đìa hoặc chụp đìa.
Bình luận 0
Đìa có khi là một cái ao to, hay một chỗ trũng sâu và dài, cũng có khi là một cái đầm sâu tự nhiên hoặc do con người đào lấy nước tưới giữa những cánh đồng mênh mông. Xung quanh đìa thường có bờ cao và nhiều đường nước thông lưu với ruộng lúa giúp cho tôm cá di trú. Đến mùa khô cạn, cá tôm sẽ rút về đìa trú ẩn. Đó cũng là lúc bà con khai thác bắt cá. Cho nên trong dân gian có câu: “ Nay tát đầm, mai tát đìa”.
img
Hình ảnh tát đìa bằng gàu dai (ảnh tư liệu).         
Xưa kia đa số bà con thường tát đìa bằng gàu dai (*) hoặc bằng thùng, do đó chủ đìa phải thuê nhiều người thay phiên nhau tát 1 – 2 ngày mới cạn.
          
Vừa tới bờ đìa, mọi người chuẩn bị cơm nước, sau đó chia nhau tát. Những người đàn ông đứng gàu chỉ trung bình nửa tiếng là đổi tay để hút thuốc, nghỉ ngơi. Không khí tát đìa đôi khi rất rôm rả nhưng cũng thật vất vả vì phải múc từng gàu nước nặng nề cho đến khi đìa cạn.  
          
Thời tôm cá còn hào phóng, khi đìa vừa cạn, mặt nước lấp xấp, cá lội dầy đặc, chủ đìa phải bố trí cho nhiều người giăng hàng ngang để mò cá từ cuối đìa lên tới miệng đìa, thế nhưng cá vẫn sót, người đi theo sau bắt mót gọi là bắt hôi.
img
Cảnh bắt hôi cá đìa (ảnh tác giả).
Cá đìa, ngoài lóc, trê, rô ra còn có lươn, rắn, rùa, ốc… nhưng đa phần đều là rắn hiền như ri voi, ri cá, bông súng. Khi bắt xong, chủ đìa lần lượt chuyển cá lên bờ, dồn vào bao, vào giỏ cho trâu kéo về. Ngay lúc đó, những người bắt hôi liền ôm giỏ nhào xuống mạnh ai nấy mò, chụp cá làm bùn văng tung tóe. Vì cá chúi sâu nên anh em bắt hôi phải trầm mình, thọc tay xuống sình non tới nách mới tóm được cá, mặt mày dính đấy bùn, cãi nhau, cười nói inh ỏi. Thế mà mặt mày nom ai cũng hớn hở, đầy khí thế. Mỗi lần được cá to, anh em mừng như trúng số, hò reo vang dội. Vui nhất là lúc lên bờ, ai cũng đầy giỏ.
 

Trong xóm mỗi lần có người tát đìa mang cá về, ai nấy cũng xúm qua tiếp đánh vẩy, móc ruột. Cá nhỏ làm mắm, cá chết phơi khô. Ai về cũng được biếu một rổ mang về góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đó là chuyện của hai ba mươi năm trước. Giờ đây cá đổng không còn nhiều, không khí bắt cá đìa không còn sôi động như thủa nào.

Vậy mà thật may mắn, cách nay không lâu, tôi có dịp chứng kiến cảnh bắt cá đìa dọc theo kinh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nhìn anh em trầm mình dưới bùn mò cá, phía sau là những người bắt hôi cười nói huyên thuyên làm tôi nhớ lại cái thời niên thiếu. Năm nào cũng vậy cứ đến mùa khô cạn, ai cũng hăm hở đi bắt cá đìa, vui thật là vui. Giờ đây, nơi miền quê xa lơ xa lắc nào đó, nơi thấm đẫm tình người, tình đất, nếu có còn tát đìa chăng nữa, người ta cũng chỉ tát bằng máy bơm hoặc dùng lưới để chụp cá chứ đâu mình trần chân đất thức suốt đêm để tát cho cạn đìa!

(*) Gàu dai , còn gọi là gàu đai (seau à cordes) , loại gàu đan bằng tre hoặc trúc có 4 sợi dây dài do hai người đứng hai bên miệng ao hay miệng đìa để tát nước .
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem