Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển khoa học công nghệ cho đất nước

Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 24/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Đó là nội dung của hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước"do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 23/3, tại Hà Nội.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội chia sẻ: "Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc, với đất nước. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng ta và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.

Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển khoa học công nghệ cho đất nước - Ảnh 1.

TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo lần này chính là một dịp để chúng ta ôn lại, đánh giá công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước xây dựng và phát triển đất nước nói chung và Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng; góp phần xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển khoa học công nghệ cho đất nước - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước".

Thông qua hội thảo phát hiện những giải pháp hay, khả thi, hiệu quả để kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển tiềm lực KH&CN, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đánh giá của ông Mai Phan Dũng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao): "Trong lực lượng trí thức Việt Nam, bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một cấu thành quan trọng, một nguồn lực dồi dào đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. 

Nhận thức được vai trò quan trọng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức kiều bào nói riêng, trong đó, gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới".

Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển khoa học công nghệ cho đất nước - Ảnh 3.

Ông Mai Phan Dũng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Cũng theo chia sẻ của ông Dũng, hội thảo lần này là cơ hội để chúng ta trao đổi thẳng thắn, thực chất góp phần xây dựng những kết nối bền vững giữa cộng đồng khoa học trong và ngoài ước trong tương lai, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Đánh giá phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, ông Phạm Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng: "Thời gian gần đây trí thức kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay nhiều chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương. Số trí thức, chuyên gia kiều bào về nước khởi nghiệp hoặc làm việc tại các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước, đặc biệt là các công ty của kiều bào có xu hướng tăng mạnh. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cần được khuyến khích trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước".

Theo ông Phạm Việt Hùng: "Đa số người Việt Nam ở nước ngoài tập trung tại các nước phát triển, khoa học tiên tiến vì vậy đây là đội ngũ tiên tiến cần tiếp cận. Bên cạnh đó cần thu hút tri thức người Việt Nam ở nước ngoài qua hoạt động khuyến khích chủ động tổ chức nhiều hội khoa học ở nước ngoài và kết nối với bộ Khoa học và Công nghệ để nhiều trí thức được tham gia các tổ tư vấn kinh tế, tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến kết nối trong và ngoài nước".

Để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức, khoa học người Việt Nam ở nước ngoài ông Hùng đề xuất: Bộ KH&CN phối hợp với các cơ quan sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài và hoàn thiện cơ sở dữ liệu này; công tác thu hút triển khai theo diện rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người việt nam ở nước ngoài; Liên hiệp Hội phối hợp Bộ ngoại giao phát hiện vận động kết nối hướng dẫn, đặc biệt các thủ tục bước đi để người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia và được hỗ trợ khi thiếu thông tin cần, công tác vinh danh động viên khen thưởng với người Việt nam ở nước ngoài 1 cách xứng đáng.

Để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức, khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, ông Từ Thành Huế - Trưởng Ban Đối ngoại Kiều bào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề xuất, thời gian tới cần loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với kiều bào; minh bạch hóa các thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương... Tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào.

Bên cạnh nhưng chia sẻ, tham luận trực tiếp tại Hội thảo, Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân đã chỉ ra bốn nguyên nhân khi chia sẻ trong Chương trình câu chuyện thời sự của VOV: theo đó ông đã chỉ ra 4 nguyên nhân khiến nước ta chưa thu hút được nhân tài: Thứ nhất, mặc dù đại hội Đảng nhiều kỳ, Hội nghị Trung ương Đảng từ khóa VI cho đến khóa XIII đều đề cập đến việc thu hút nhân tài cho Đất nước nhưng chúng ta chưa có văn bản tầm cỡ bắt buộc, chưa có quy tắc, thiết chế chính trị, pháp lý để Nhà nước, các cấp ủy Đảng phải thực hiện, mà mới chỉ dừng ở khuyến nghị mang tính chất chủ trương.

Thứ hai, các chủ trương đó lại được vận hành bởi nhiều địa bàn, nhiều giải pháp khác nhau, vẫn chưa thực tâm, chủ yếu do người tài mới nhìn ra người tài. Thứ 3, tài chính cho người tài chưa đảm bảo. Người tài cần có tài chính ổn định, đảm bảo lo cho cuộc sống gia đình, yên tâm cống hiến.

Thứ tư, điều kiện làm việc cho nhân tài cũng chưa đảm bảo. Mỗi lĩnh vực công việc đều cần có môi trường để phát huy, cần được tôn trọng. Ví dụ nhân tài chính trị cần có nơi để vận hành tư tưởng, ý đồ của họ, nhà khoa học cần có phòng thí nghiệm, môi trường triển khai thực nghiệm để vận hành ý tưởng,... Ngoài ra, sự ích kỷ hẹp hòi, đố kỵ người tài vẫn tồn tại trong xã hội nước ta.

Trong khuôn khổ hội thảo các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và chuyển đổi số quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem