Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ 91.716 tàu cá

Trần Quang Thứ ba, ngày 28/06/2022 16:28 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt bên lề Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, khảo sát tại các cảng cá cho thấy, số tàu cá nằm bờ đang ở mức 45 - 50%, cá biệt như Hải Phòng, số tàu cá nằm bờ lên đến trên 70%.
Bình luận 0
Hơn 70% tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao, kiến nghị hỗ trợ an sinh cho 91.716 tàu cá - Ảnh 1.

Những ngày đầu tháng 6, một số tàu cá của ngư dân miền Trung neo đậu ở Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đang chuẩn bị chuyến ra khơi mới trong thời điểm xăng dầu tăng cao. Ảnh: Diệu Bình

Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Công Thương đã bàn với Bộ NNPTNT làm văn bản trình Chính phủ hỗ trợ an sinh cho 91.716 tàu, trong đó có hơn 3.000 tàu cá từ 15m trở lên.

"Về lâu dài, chúng ta phải tính cơ cấu lại khai thác và tăng cường nuôi biển, nuôi trong bờ để sản phẩm, đối tượng phong phú hơn, năng suất, chất lượng sản lượng cá, tôm... tăng cao hơn. Chúng ta có 6.695 hồ chứa, gần 800 tỷ m3 nước, đây là lợi thế rất lớn để tăng nguồn nuôi biển.

Như 6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi biển tăng 7,4%, trong đó khai thác giảm xấp xỉ 3%. Như vậy, để bù đắp cho sản lượng khai thác, chúng ta phải tăng cường nuôi biển. Đây cũng là giải pháp lâu dài để có nguyên liệu chế biến và chế biến sâu để tăng xuất khẩu thủy sản trong năm nay và các năm tiếp theo", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Trước đó, như báo Dân Việt thông tin, ngày 24/6, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã ký công văn gửi Bộ Công Thương và Bộ LĐTBXH đề nghị khẩn cấp hỗ trợ trước mắt 6 tháng cho hàng ngàn ngư dân bám biển vì giá dầu tăng quá cao, 40-55% tàu cá đang phải nằm bờ.

Cụ thể, công văn của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký, cho biết, trong thời gian qua, ngành khai thác thủy sản đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nước ta, sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3,435 tỷ USD. 

Ngành khai thác thủy sản đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển. Sự có mặt của đội tàu cá khai thác trên biển còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

  • Giá xăng dầu tăng cao, giá cá, ghẹ... giảm sâu do Trung Quốc ngừng mua, ngư dân chán nản muốn bỏ nghề

    Giá xăng dầu tăng cao, giá cá, ghẹ... giảm sâu do Trung Quốc ngừng mua, ngư dân chán nản muốn bỏ nghề

Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới. 

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.

Cũng theo Bộ NNPTNT, cả nước hiện có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S (nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản) đã tăng tới 65%.

(Ngày 25/12/2021 chỉ có 17.579 đồng/lít nhưng đến 20/6/2022 là 29.020 đồng/lít, tức tăng thêm 11.441 đồng/lít).

Như vậy, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng cho rằng, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%. Trong khi, giá bán hải sản tăng không đáng kể.

"Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Theo Bộ NNPTNT, tính chung cả nước đến thời điểm này, lượng tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân do ngừng sản xuất, không tìm được việc làm phù hợp trên bờ, không có thu nhập, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình xã hội trong công đồng cư dân ven biển, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Công Thương và Bộ LĐTBXH có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Đối tượng hỗ trợ trước mắt là thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ: trước mắt 6 tháng. Mức hỗ trợ: Theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem