Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng trong mọi công việc của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 là phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ những căn cứ và vị trí, vai trò đặc biệt của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời nhấn mạnh, chủ trương của Đảng là rất rõ, trên cơ sở đó, Chính phủ đã triển khai nhiều công việc, nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, kết quả hiện nay chuyển đổi số đã vào từng ngõ, gõ từng nhà, từng người, mang lại tiện ích cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và địa phương nhận thức và hành động quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, rà soát chỉnh sửa luật, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ dữ liệu chuyên ngành, phát triển hạ tầng số… Tất cả đều được quan tâm, đầu tư.
"Chúng ta đã có Nghị quyết xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, hiện đang xây dựng Luật Dữ liệu. Những kết quả trên đang góp phần thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, đỡ mất thời gian, không để xảy ra sách nhiễu người dân", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, Đề án 06 là điểm sáng, mang lại những hiệu quả rất lớn cho người dân. Việc thí điểm hai tiện ích gồm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên VNeID có rất nhiều ý nghĩa nhân văn.
Người dân ai cũng cần Sổ sức khỏe điện tử. Nếu như trước kia là sổ giấy thì nay chúng ta có sổ điện tử với rất nhiều tiện ích. Còn Phiếu lý lịch tư pháp cũng liên quan trực tiếp đến người dân, xã hội. Chính phủ và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giao cho 2 địa phương gồm Hà Nội và Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm, mang lại kết quả thiết thực cho người dân, đây cũng là tiền đề để nhân rộng ra toàn quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau khi triển khai tại hai địa phương trên, hôm nay chúng ta có đánh giá thêm xem những kết quả nào là đạt được cho người dân, doanh nghiệp, đất nước, và điều gì cần tháo gỡ. Những bài học kinh nghiệm nào cho thời gian sắp tới, các điều kiện cần triển khai nhân rộng ra toàn quốc.
"Tinh thần chỉ có bàn làm, không bàn lùi, vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, trọng tâm trong hành động, đã làm là phải có kết quả, chắc chắn chỉ có lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, kinh tế số đến năm 2030 chiếm 30% kinh tế số trong nền kinh tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Về kết quả triển khai sổ sức khỏe điện tử, báo cáo cho biết đến nay, đã tạo lập được 32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT (đạt tỉ lệ 98,6%) dữ liệu đồng bộ liên thông qua BHXH để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Về giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám, đã tạo lập được 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn khám lại, Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tích hợp trên VNeID để sẵn sàng công bố trên toàn quốc để người dân sử dụng...
Những kết quả trên giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng/năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khoẻ của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Về triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 04 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 02 tỉnh ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi; 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân, với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội.
Với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp hàng năm là khoảng 2,6 triệu yêu cầu cả nước, khi người dân thực hiện đăng ký giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.