Thú vị mùa nước, đẩy côn săn cá đồng

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ tư, ngày 09/09/2015 09:15 AM (GMT+7)
Tại các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp và những cánh đồng nằm dọc theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, hằng năm cứ đến mùa nước nổi là ngoài đồng bà con ta thường đi chài, lưới, đặt dớn, đặt lọp bắt cá… Nhưng thú vị nhất phải kể là nghề đẩy côn.
Bình luận 0

Cũng như các cách đánh bắt cá tôm cổ truyền, đẩy côn không biết ra đời từ lúc nào. Nhưng theo các lão nông ở miền Tây Nam bộ thì nghề này chỉ rầm rộ từ khoảng 10 năm nay, nhất là những năm mực nước dâng cao.

img

Mùa nước nổi, mùa đẩy côn.

Tuy nhiên, đẩy côn lại là một loại hình đánh bắt khá thú vị của vùng sông nước này. Giàn côn gồm hai cây tre hoặc tầm vông dài và thẳng, từ 10 – 15 mét và được cột chặt vào mũi xuồng theo chiều ngang. Dọc theo thân tre người ta móc chặt những cọng sắt hoặc chì nhỏ có chiều cao khoảng 1 mét, cây nầy cách cây kia 20 – 30 cm. Khi đẩy côn, xuồng lướt tới, lôi theo những cọng sắt giống như một cái bẫy dưới nước (đường kính hoạt động của côn tương đương với chiều dài của thân tre). Khi cá đang lội đụng phải những cây sắt (côn) chúng sẽ hoảng loạn tự động chúi vào đất như một phản xạ. Người ngồi trên xuồng hoặc đang lội nước đẩy xuồng lúc nào cũng phải tinh ý, vừa chống xuồng vừa quan sát mặt nước, vì khi cá chúi, mặt nước sẽ sủi bọt và màu nước đen ngòm. Ngay lúc đó, người đẩy côn nhanh nhẹn dùng chiếc nôm chụp đúng vào vị trí cá chúi rồi thọc tay vào miệng nôm mò cá, chỉ một lát sau là tóm được một cách dễ dàng.  

Sau một hồi theo chân anh Tư Toàn, một người chuyên đẩy côn ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), anh cho biết đẩy côn chỉ bắt được cá lóc và cá bông vì chỉ có loại cá nầy chúng mới chúi khi đụng côn. Hằng năm kể từ nửa tháng Tám cho đến  tháng Mười âm lịch, đa số bà con nông dân ở đây đều ra đồng đánh bắt thủy sản, đông nhất là đặt dớn và đẩy côn. Thường mỗi ngày đánh bắt được khoảng 2 - 3 kg cá lóc, góp phần tăng them thu nhập trong lúc nông nhàn.

Trong mùa nước nổi, đẩy côn được người nông dân ưa dụng nhờ ruộng sâu nhiều cá. Bà con ngồi trên xuồng dùng xào chống để đẩy côn lướt tới, cũng có người xuống ruộng dùng tay đẩy xuồng. Gần đây, có người lại gắn động cơ giúp cho xuồng lướt nhanh và đỡ sức lao động. Theo anh Tín, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thì đẩy côn bằng máy hiệu quả sẽ cao hơn.  

Tuy nhiên, nghề đẩy côn chỉ thịnh hành ở những nơi mực nước sâu vừa phải như ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… So với các hoạt động đánh bắt khác, nghề đẩy côn được nhiều người hoan nghênh vì không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và kiểu tận diệt như lưới mành và xuyệt điện. Nghề nầy lại đầu tư ít vốn, chỉ lấy công làm lời.

img

Đẩy côn bằng cách lội xuống ruộng.

img

Đẩy côn bằng cách dùng xào chống.

img

Đẩy côn bằng xuồng máy.

img

Niềm vui nơm được cá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem