Thư viện quốc gia của triều Nguyễn

Thứ hai, ngày 20/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Vua Minh Mạng (1791-1841) cho xây dựng Tàng thư lâu giữa hồ nước nhằm tạo thông thoáng, tránh mối mọt, bảo vệ các tài liệu quan trọng.
Bình luận 0

img

Tàng thư lâu nằm giữa hồ Ngọc Hải ở phường Thuận Lộc (TP.Huế), cạnh bên hồ Tịnh Tâm. Theo sáchĐại Nam thực lục và Đại nam Nhất thống chí, vua Minh Mạng cho xây dựng Tàng thư lâu vào năm 1825 để cất giữ, bảo quản các văn kiện quan trọng của triều đình.

img

Vua đã tính rất kỹ địa thế, vật liệu xây dựng Tàng thư lâu nhằm phòng hỏa hoạn, tạo không gian thông thoáng, tránh các loài gặm nhắm. Nằm giữa hồ, Tàng thư lâu thông thương với bên ngoài bằng một cây cầu đá.

img

Tàng thư lâu xây bằng gạch và đá gồm 2 tầng, mái lợp ngói liệt. Tầng trên 7 gian, 2 chái, có chức năng chứa tư liệu, được trổ nhiều cửa, xung quanh xây lan can thưa, thoáng khí, tránh sự ẩm mốc do Huế mưa nhiều.

Tầng dưới 11 gian, rải nhiều lưu huỳnh để khử kiến, gián, mối, mọt... Theo sử sách, để xây dựng Tàng thư lâu, triều Nguyễn đã huy động hơn 1.000 binh lính thi công.

img

Bên trong Tàng thư lâu được phân chia rõ các gian. Dưới triều Nguyễn, Tàng thư lâu cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học…, những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; các tài liệu ngoại giao với triều đại Trung Quốc.

Ngoài ra, trong kho còn có nhiều bản thảo sách Nho, Y, Lý, Số; các bộ quốc sử, cùng rất nhiều bản gỗ (mộc bản) in tài liệu nói trên… Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hội thời Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12.000 tập.

img

Cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2 trong Tàng Thư Lâu được xây dựng bằng đá thanh. Sau 120 năm hoạt động (1825-1945), khi triều Nguyễn bị lật đổ, cơ quan lưu trữ tài liệu quốc gia này đã ngừng hoạt động.

img

Do chiến tranh tàn phá, công trình bị hư hại nặng, các tài tiệu, sách lưu trữ ở Tàng thư lâu đã thất thoát gần hết. Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã trùng tu công trình với kinh phí 24,8 tỷ đồng và giao cho Phòng nghiên cứu quản lý, bố trí sách, tài liệu trưng bày.

img

Trung tâm Bảo tồn đã bố trí nhiều tủ sách trong Tàng thư lâu để trưng bày, cất giữ các tài liệu liên quan đến vương triều Nguyễn mà đơn vị sưu tập được.

img

Những cuốn sách viết về triều Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đưa vào trưng bày tại Tàng thư lâu. 

img

Không gian đọc sách được phục dựng. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế hy vọng sẽ hồi sinh Tàng thư lâu, đưa nơi này trở lại vị thế như xưa.

Võ Thạnh (VnExpress)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem