Thường Tín chú trọng phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Xuân Tiến Thứ sáu, ngày 05/01/2024 19:07 PM (GMT+7)
Huyện ủy Thường Tín đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực Chương trình số 05-CTr/HU ngày 22/8/2020 của Huyện ủy “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”.
Bình luận 0

Trước đó, ngày 22/8/2020, Huyện ủy Thường Tín ban hành Chương trình số 05-CTr/HU "Phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025", với mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh bền vững. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức, kết hợp với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa và ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thường Tín chú trọng phát triển kinh tế nhanh và bền vững- Ảnh 1.

Bộ phận một cửa huyện Thường Tín được trang bị đầy đủ các thiết bị, công nghệ phục vụ công tác cải cách hành chính. Ảnh: XT

UBND huyện Thường Tín đã đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và ứng dụng các phần mềm dùng chung do Thành phố triển khai tạo nền tảng Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới mục tiêu thành Chính quyền số huyện Thường Tín. Đến nay 100% thủ tục hành chính được xây dựng theo quy trình ISO.

Các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng, công khai giúp công dân, cán bộ thực hiện nhiệm vụ hiểu rõ về  hồ sơ, tài liệu, các bước công việc cần thực hiện và thời gian phải hoàn thành; đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả"; nâng cao sự hài lòng của người dân đối với tổ chức nhà nước, góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính của xã, huyện.

Hiện nay toàn huyện có 09 làng nghề được thành phố và Huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể đã được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể; 04 làng đã được xây dựng thương hiệu chưa được cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể; trên địa bàn huyện có 180 sản phẩm được thành phố công nhận đạt 3 sao, 4 sao ở các nhóm ngành (thực phẩm, thủ công mỹ nghệ trang trí, thảo dược).

Huyện hiện có 16 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 chuỗi liên kết, tiêu thụ. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

Có thể thấy, trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động quản lý điều hành góp phần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức. Việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tạo nhiều hiệu quả tích cực. Áp dụng Khoa học công nghệ giúp sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Các tiến bộ khoa học và công nghệ từng bước được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung. Ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có giá trị kinh tế; phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại; nuôi trồng thủy sản chuyển biến tích cực.

Khoa học và công nghệ đã từng bước được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục đào tạo, thông tin, truyền thông, y tế, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường....Qua đó góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của huyện. Đặc biệt, đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sức mạnh của khoa học và công nghệ trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thường Tín chú trọng phát triển kinh tế nhanh và bền vững- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Minh - Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ thăm mô hình trồng hoa và dưa lưới ở gần Khu công nghiệp Tiền Phong. Ảnh: XT

Năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện Thường Tín xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình 05-CTr/HU trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các đề án, dự án, đề tài khoa học, cụ thể hóa Chương trình của các phòng, ban liên quan tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất có ứng dụng kết quả của Chương trình, tạo sự đồng thuận, tin tưởng cao của toàn xã hội đối với Chương trình.

Duy trì và nâng cao chất lượng áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại UBND huyện và UBND các xã, thị trấn.

Đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các hộ gia đình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến nhằm tăng giá trị của sản phẩm. Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Duy trì và phát triển các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặt biệt hỗ trợ khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đầu tư hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nghiên cứu phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Tiếp tục kêu gọi đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường, thu hút nhiều lao động nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem