Thương Tín từng phải ngồi tù năm 15 tuổi vì dùng hung khí đánh người để bảo vệ em ruột
Thương Tín từng phải ngồi tù năm 15 tuổi vì dùng hung khí đánh người để bảo vệ em ruột
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 28/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
Diễn viên Thương Tín từng phải ngồi tù năm 15 tuổi vì tội đánh người để bảo vệ em ruột. Và đó cũng được xem là quãng thời gian tồi tệ nhất trong thời niên thiếu của ông.
Những ngày qua, cái tên Thương Tín lại một lần nữa được "hâm nóng" trên mặt báo. Lần này, vụ việc cũng ồn ào không kém những lần trước khi hình ảnh nam diễn viên phim "Biệt động Sài Gòn" phải sinh sống tạm bợ trong một không gian bừa bộn, đơn sơ, tạm bợ… được một YouTuber tung lên mạng. Trong clip chia sẻ với một YouTuber, nam diễn viên tố bị nhạc sĩ Tô Hiếu giữ hết tiền cát-xê và hiện không còn ở chung nhà với nhạc sĩ này nữa.
Thực tế, thời gian qua, câu chuyện liên quan đến tình trạng sức khỏe, cuộc sống nghèo khó, túng quẫn và tạm bợ của diễn viên Thương Tín ở tuổi xế chiều nhận được sự chú của rất nhiều người. Nhiều tranh cãi trái chiều cũng nổ ra trên nhiều diễn đàn. Những câu chuyện "dọc ngang – ngạc dong" thời quá khứ của nam diễn viên đình đám một thời cũng được khơi lại.
Tuy nhiên, có một điều mà không mấy người biết đó là năm 15 tuổi, nam diễn viên "Biệt động Sài Gòn" từng phải ngồi tù vì tội đánh người để bảo vệ em ruột. Và đó cũng được xem là quãng thời gian tồi tệ nhất trong thời niên thiếu của ông. Chính bước ngoặt này đã đưa ông đến với trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn và trở thành tên tuổi đình đám của rất nhiều bộ phim.
Kể lại chuyện này trong hồi ký "Thương Tín – Một đời giông bão" do nhà báo Đinh Hiền chấp bút, ra mắt năm 2015, diễn viên Thương Tín cho biết, năm 13 tuổi, ông bắt đầu "hành tẩu giang hồ". Ông theo đoàn cải lương Tân Dạ Lý của ông bầu Xuân. Những tháng ngày phiêu bạt theo đoàn hát, ông đã nếm trải những mùi vị đắng cay chua ngọt của cuộc đời, trong đó có cả việc bị "cưỡng hiếp" bởi một người phụ nữ xa chồng và ông bầu đoàn hát. Sau khi ba ông biết tin đã tìm đến đoàn hát bắt ông về lại Buôn Mê Thuột để tiếp tục học tập. Dù rất mê cải lương, không muốn rời đoàn hát nhưng vì ba ông là người rất nghiêm khắc nên ông đành phải nghe theo.
Quay lại với gia đình, dù được ba mẹ chăm sóc đầy đủ tiện nghi, sống cuộc sống thoải mái và tiếp tục việc học thì Thương Tín lại gây nên một tội tày đình. Chỉ vì bảo vệ em ruột mà ông ẩu đả, xô xát… với một người, gây hậu quả nghiêm trọng, bị kết án và phải vào tù.
"Tôi quay trở lại cuộc sống đoàn viên gia đình với sự đầy đủ của tiện nghi vật chất và tinh thần nên thấy cực kỳ thoải mái. Ba tôi đã chuẩn bị chỗ học để tôi tiếp tục đến trường. Nói chung là tôi đã sẵn sàng cuộc sống "hoàn lương" yên bình. Ấy nhưng sau hai năm quang quật ở bên ngoài, "máu" giang hồ đã ngấm kha khá vào tôi nên đã xảy ra một chuyện cực kỳ kinh động.
Một bữa, Tuấn – thằng em kế tôi từ đâu chạy về khóc tức tưởi. Nó kể có thằng hàng xóm sát bên kiếm chuyện uýnh nó một trận đau điếng. Nhìn thấy mặt mũi em bầm tím, tôi nổi máu yêng hùng. Em trai thấy có anh bênh vực liền nín khóc, ngay lập tức láy lại tư thế, tự tin dắt tôi đi loằng ngoằng mấy con hẻm nhỏ.
Ở quê, người dân thường có thói quen bắc ghế đẩu ngồi hóng gió và hóng chuyện ở ngay đường đi. Vào trong một con hẻm, em trai tôi hùng dũng chỉ thẳng vào mặt một thiếu niên chừng tuổi tôi đang ngồi giữa đám đông lố nhố. Tôi tiến vào: "Ê thằng này, sao mày uýnh em tao?". Tôi chưa nói hết câu thì đã giơ tay đấm ngã bổ chửng người đó. Xong rất bình thản đi ra bên ngoài. Thằng em tôi mặt mũi nhẹ nhõm, hả hê theo sau.
Đi được một đoạn thì tôi bỗng nghe tiếng hét phía sau: "Kìa, nó kìa!". Ngoái lại, tôi thấy một thanh niên cao to, lực lưỡng đang đuổi theo phía sau, mặt đằng đằng sát khí. Nhận ngay ra sự bất lợi của mình tôi co giò chạy thật nhanh nhưng càng chạy thì càng ríu cả chân. Tôi nghe thấy tiếng thở phì phò của "kẻ truy sát" ngay tai mình, gần lắm rồi. Đột nhiên, trong tầm mắt tôi là con dao chặt cây đá của xe nước mía bên đường. Tôi vội vàng chụp lấy… người thanh niên thấy tôi quơ con dao sắc lẹp và lấng loáng thì quay đầu bỏ chạy. Tôi chạy đuổi theo… chiếc áo sơ mi màu sáng trắng của người đó chỉ vài giây đã thấm máu đỏ. Chạy được vài bước, người thanh niên ngã lăn ra đất. Tôi vứt dao bên đường rồi dắt thằng em chạy về nhà, chui ngay vào phòng riêng"- trích hồi ký "Thương Tín - Một đời giông bão".
Ba tháng ở tù nếm trải cay đắng cuộc đời
Sau sự việc này, Thương Tín bị cảnh sát bắt. Cảnh sát đưa ông tới trại giam ở Phan Rang (Ninh Thuận). Ngay tối hôm ông bị đưa vào trại giam, người bị ông chém đã kéo theo đồng bọn tìm tới trại giam đòi "xử đẹp". Nếu người cai ngục không cố tình giấu đi chùm chìa khóa phòng giam thì chắc ông đã bị mất mạng vì bị trả thù.
"Ngay đêm hôm đó tôi viết thư về cầu cứu ông nhà. Tôi nhờ cảnh sát chuyển thư đến ba tôi và hứa sẽ hậu tạ. Sáng hôm sau, cảnh sát mở cửa kêu tôi ra ngoài rửa mặt rồi dắt tôi tới phòng ông Trưởng ty Cảnh sát. Tôi đoán chắc ba tôi đã bảo lãnh cho tôi ra ngoài nên hơi vững dạ.
Cửa mở, đúng là ông già tôi đang ngồi nói chuyện với Trưởng ty, hai người bàn chuyện gì đó mà cười nói rôm rả. Thấy cảnh đó, tôi mở cờ trong bụng, nghĩ mình sắp được về nhà tới nơi rồi. Ngờ đâu, ba tôi nói: "Ông giúp tôi cho nó vào trong đó một thời gian để tu tỉnh lại. Nó đi lang bang mấy năm giờ về đổi tính quá! Tôi cũng không biết phải làm sao". Ông Trưởng ty có vẻ can ngăn: "Không giỡn đâu nghe, vào tù thiệt đó!". Ba tôi đáp: "Ờ, cho nó đi giùm tôi, cho nó hiểu lẽ đời!".
Ba tôi là vậy. Ba yêu tôi theo cách riêng của ông. Tôi ngồi nghe mấy lời này mà rầu thối ruột, lí nhí chào ba và ông Trưởng ty rồi bị cảnh sát đưa đi".
Theo lời kể của diễn viên Thương Tín, những ngày ngồi tù, nỗi ân hận vì làm chuyện sai trái đã giày vò ông từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông bắt đầu nhận ra những sóng gió xuất hiện trong cuộc đời mình. Ông dần hiểu hơn về chuyện đời, chuyện người do được các phạm nhân cùng buồng giam kể lại cho nghe. Nhưng cũng từ đó, ông đã linh cảm về một cuộc đời không suôn sẻ của mình sau này. Sau khi phải ngồi tù 3 tháng, ba của Thương Tín đã xin cho ông được tha bổng vì nghĩ con đã thấm thía đủ sự cay đắng. Từ biến cố này, ba mẹ ông đã bàn nhau đưa ông vào trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Cuộc đời ông rẽ sang trang mới từ đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.