Tiền Giang: Chuyện ly kỳ về loài cá hô có hình dáng khổng lồ, "cá vợ cá chồng" sống với nhau "trăm năm hạnh phúc"

Thứ ba, ngày 05/01/2021 06:01 AM (GMT+7)
Khác với một số đồng loại, khi thực hiện sinh sản nhân tạo, con đực phải “hy sinh” để duy trì nòi giống, còn cá hô có thể sinh con, đẻ và sống với nhau đến “trăm năm hạnh phúc”.
Bình luận 0

Thạc sĩ Đặng Công Trường - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ (tọa lạc tỉnh Tiền Giang) - cho biết, với một số loài cá đã được nghiên cứu thành công cho sinh sản nhân tạo, để thực hiện quá trình thụ trứng, người ta phải mổ con đực để lấy tinh sào xử lý với trứng được vuốt từ noãn hoàn của con cái.

Tiền Giang: Chuyện ly kỳ về loài cá hô có hình dáng khổng lồ, "cá vợ cá chồng" sống với nhau "trăm năm hạnh phúc" - Ảnh 1.

Thạc sĩ Đặng Công Trường đang cho cá hô bố mẹ đang nuôi tại Trung tâm ăn. Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ (tọa lạc tỉnh Tiền Giang)Ảnh: LT

Nói cách khác, để có đời con, cá bố phải hy sinh. Và mỗi lần duy trì nòi giống, cá mẹ lại tiếp tục gặp ông bố mới. Trong khi đó với cá hô thì không, cá bố và cá mẹ có thể sống với nhau “trăm năm hạnh phúc”.  

Tiền Giang: Chuyện ly kỳ về loài cá hô có hình dáng khổng lồ, "cá vợ cá chồng" sống với nhau "trăm năm hạnh phúc" - Ảnh 2.

Cá hô bố mẹ đang được nuôi vỗ tại Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ (tọa lạc tỉnh Tiền Giang). Ảnh: LT

Mùa sinh sản cá hô tập trung khoảng 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch). Do có hình dáng khổng lồ nên cá hô thành thục sinh dục vào năm thứ 5 của đời sống và có thể tham gia sinh sản khi đạt trọng lượng 25-30kg/con.

Sau khi đưa cá hô vào ao nuôi sinh sản, kiểm tra trứng trong bụng cá hô cái đến gia đoạn “chín”, tức hạt căng, màu sắc đồng đều, dễ tách rời nhau và hơi khô là tiến hành cho sinh sản nhân tạo.

Sau khi thực hiện tiêm kích thích tố cho cả con hô cái và con cá hô đực, lực lượng làm nhiệm vụ “bà mụ” tiến hành vuốt nhẹ ở mặt bụng về hướng lỗ sinh của cá hô cái để lấy trứng (cá mẹ) và tinh (cá bố) trước khi xử lý, cho vào bể ấp. 

Sau đó đưa cả cá hô bố, lẫn cá hô mẹ hồi sức trước khi đưa trở lại ao nuôi để năm sau tiếp tục công việc duy trì nòi giống.

Tiền Giang: Chuyện ly kỳ về loài cá hô có hình dáng khổng lồ, "cá vợ cá chồng" sống với nhau "trăm năm hạnh phúc" - Ảnh 3.

Tiền Giang: Chuyện ly kỳ về loài cá hô có hình dáng khổng lồ, "cá vợ cá chồng" sống với nhau "trăm năm hạnh phúc" - Ảnh 4.

Cá hô giống do Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ (tọa lạc tỉnh Tiền Giang) sản xuất. Ảnh: LT

Đặc biệt, vài năm gần đây, Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ (tọa lạc tỉnh Tiền Giang) tiến hành thực nghiệm mô hình cho cá hô đẻ tự nhiên, tức đưa cá hô bố, cá hô mẹ vào bể riêng...

Sau khi thực hiện nhiệm vụ duy trì nòi giống, cá hô bố vẫn khỏe mạnh và sẵn sàng cho cuộc hôn phối mùa sau.

Cứ thế, nhiều cặp đôi ghép với nhau 15 năm (từ lần đầu tiên Trung tâm thực hiện thành công việc cho cá hô sinh sản nhân tạo vào năm 2005) đến nay vẫn còn tiếp tục và sẽ còn gắn bó với nhau thêm vài chục năm nữa.

Ông Trường cho biết: Dù chưa có tài liệu nghiên cứu cụ thể, nhưng căn cứ vào tốc độ lớn hàng năm và trọng lượng cá hô bắt được trong tự nhiên lên đến hàng trăm ký, cho thấy khả năng cá hô sống đến hàng chục năm, thậm chí là cả trăm năm. Quá trình theo dõi tại Trung tâm cũng cho thấy, cá hô cũng “bắt cặp” và thường gắn bó với nhau. Vì vậy, điều này cũng đồng nghĩa, chúng có thể vừa duy trì nòi giống vừa sống bên nhau “Trăm năm hạnh phúc”.

Lục Tùng (Báo Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem