Tin vào thuốc nam chữa khớp truyền miệng, cụ bà tổn thương gan thận nặng

Diệu Linh Thứ tư, ngày 31/03/2021 18:08 PM (GMT+7)
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa cấp cứu cho 1 cụ bà 73 tuổi sau khi cụ tự điều trị bằng thuốc nam truyền miệng.
Bình luận 0

Ngày 31/3, tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng sau khi tự ý điều trị bằng thuốc nam truyền miệng. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được xử trí thở oxy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận.

Người nhà cho biết, bệnh nhân bị viêm khớp đã lâu. Gần đây, bệnh nhân đã mua thuốc nam, thuốc đông y truyền miệng, không rõ nguồn gốc để tự ý điều trị. 

Tin vào thuốc nam chữa khớp truyền miệng, cụ bà tổn thương gan thận nặng - Ảnh 1.

Bệnh nhân đang được các bác sĩ thăm khám.

Gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận các bệnh nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, thuốc đông y truyền miệng, theo quảng cáo trên mạng khiến sức khỏe lâm vào tình trạng nguy kịch.

Mới đây là bệnh nhân (63 tuổi, có tiền sử bệnh đái tháo đường 20 năm) trong tình trạng nguy kịch, kích thích, vật vã, tụt huyết áp. Kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị suy thận, suy đa tạng, toan chuyển hóa, toan lactic rất nặng. 

Bác sĩ Nguyễn Viết Nam (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, chỉ nhập viện chậm 5 phút là bệnh nhân này có thể tử vong. Người nhà cho biết, bệnh nhân có nhiều bệnh nền nên ở đâu có người mách có thuốc hay là ông mua về uống. Gần đây, ông đã mua qua mạng 1 túi thuốc viên tròn và 1 túi thuốc bột không nhãn mác về uống, sau đó rơi vào tình trạng vật vã, mệt lả. 

Các bác sĩ đã gửi mẫu thuốc gia đình cung cấp đến Viện Pháp y Quốc gia để phân tích thành phần. Kết quả, thuốc viên có thành phần phenformin, thuốc bột là paracetamol có tác dụng giảm đau. 

Theo bác sĩ Nam, phenformin là nguyên nhân chính khiến người đàn ông rơi vào tình trạng nguy kịch. Chất này giúp hạ đường huyết nhanh và có rất nhiều tác dụng phụ. Ngộ độc phenformin gây tỷ lệ tử vong lên tới 60%.

Phenformin là loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Thuốc này bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 do gây ra hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi sử dụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy điều trị bằng thuốc này làm xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng, gây tử vong. Hiện Việt Nam và các nước trên thế giới đã cấm lưu hành phenformin.

Trước đó, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng cấp cứu 3 bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường đã tự ý mua thuốc nam qua mạng về uống. Sau một thời gian dùng thuốc, 3 người này đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, đường huyết tăng cao.

Không tự ý dùng thuốc nam mua qua mạng, truyền miệng

Theo bác sĩ Nam, người cao tuổi nhập viện cấp cứu do dùng thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, qua quảng cáo trên mạng thường ít thông tin về loại thuốc mình sử dụng. Họ thường nghe quảng cáo trên mạng, nghe qua người quen. Việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc như vậy rất nguy hiểm. 

"Các thuốc nam không rõ nguồn gốc hiện nay rất hay pha trộn thuốc tây, hóa chất khiến người bệnh thấy triệu chứng bệnh có vẻ giảm nhanh. Tuy nhiên, tác dụng phụ của các loại thuốc này rất nguy hiểm", bác sĩ Nam cho biết. 

Bác sĩ Nam khuyến cáo người dân khi muốn sử dụng thuốc nam thuốc đông y cần đến cơ sở có uy tín, được các bác sĩ đông y có bằng cấp khám và chẩn đoán để tránh bị "tiền mất tật mang". 

Chia sẻ với Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh: "Người dân trước khi mua thuốc đông y phải xem xét đó có phải bài thuốc cho lương y được Bộ Y tế công nhận hay không, bài thuốc đó đã được tỉnh, được Bộ cấp phép hay chưa. Kể cả các bài thuốc gia truyền đã được lưu truyền nhiều năm, nhiều đời thì người chế biến thuốc cũng phải là lương y được học hành, có trình độ, bằng cấp chứ không chỉ là "người trong nhà".

Người dân muốn dùng thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc nên đi khám để được các lương y thực sự kê đơn, bốc thuốc cho chính xác. Thuốc nam, thuốc bắc không có "lành tính 100%", đều có những vị độc tính. Nếu không có bệnh, không đúng bệnh thì không nên dùng thuốc bữa bãi, càng không chỉ tin vào quảng cáo thổi phồng". 

Văn Phòng Chính phủ vừa có có văn bản số 2154 do Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Sỹ Hiệp ký ngày 30/3 về truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thông tin "thần y" trên mạng xã hội.

Văn bản nêu rõ, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội hiện nay.

Trước đó, báo chí có thông tin phản ánh thời gian gần đây có hiện tượng nhiều người tự xưng "lương y", "thần y" chữa bách bệnh trên mạng xã hội. Những người này quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, hoạt động khám chữa bệnh không phép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem