Bị trừ % lương hưu khi nghỉ sớm, lao động vẫn chấp nhận vì lý do này?

Thùy Anh Thứ tư, ngày 03/01/2024 09:11 AM (GMT+7)
Lo sợ chính sách thay đổi, cách tính tiền lương hưu bị giảm đi, nhiều lao động đã chọn cách xin về hưu trước tuổi với lý do tinh giản biên chế.
Bình luận 0

Đa phần lao động có thừa năm đóng BHXH xin về nghỉ trước tuổi, tinh giản biên chế

Ông Nguyễn Văn A, nhân viên một cơ quan nhà nước vừa đăng ký nghỉ sớm do không đủ điều kiện sức khỏe công tác và cơ quan đang sắp xếp lại bộ máy. Theo đúng quy định, năm 2023 lao động nam phải đủ 60 tuổi mới được về hưu. Tuy nhiên, lúc xin về hưu sớm ông A mới được 59 tuổi có lẻ (tức là 59 tuổi nhưng thêm 6 tháng). Luật BHXH quy định người lao động sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu với mỗi năm về hưu trước tuổi. Trong một số trường hợp sẽ bị trừ 1% tỷ lệ lương hưu khi tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng do nghỉ hưu trước tuổi.

Bị trừ % lương hưu khi nghỉ sớm, lao động vẫn chấp nhận vì lý do này?- Ảnh 1.

Nhiều người chọn giải pháp về hưu trước tuổi, sát tuổi nhận tiền trợ cấp. Ảnh: N.Tuấn

Mặc dù bị trừ 1%, nhưng ông A vẫn xin nghỉ sớm vì theo tính toán nếu nghỉ hưu vào giai đoạn này sẽ có lợi hơn. "Tôi không đủ điều kiện để được tinh giản biên chế, nếu được tinh giản biên chế sẽ được trợ cấp nhiều hơn. Nhưng tôi có dư năm đóng BHXH nên vẫn được hưởng khoản trợ cấp gần 50 triệu đồng và cả trợ cấp thôi việc", ông A chia sẻ.

Cũng theo ông A nếu đợi thêm 6 tháng để đủ tuổi về hưu thì tới năm 2024 số tuổi nghỉ hưu của ông lại tăng thêm 1 tuổi (tức phải 61 tuổi mới đủ tuổi về hưu theo quy định - PV). Chính bởi vậy, ông lựa chọn giải pháp về hưu sớm, lợi cả đôi đường.

Tinh giản biên chế: Các tính tiền lương hưu còn nhiều bất cập

Hiện nay theo tính toán, tiền lương hưu của lao động trong cơ quan nhà nước đang được tính theo quá trình, trong khi đó, tiền lương của lao động làm khu vực tư lại được tính toàn bộ quá trình đóng BHXH.

Cụ thể, theo Luật BHXH năm 2006, người lao động làm việc toàn bộ thời gian tham gia BHXH tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân mức hưởng lương hưu được tính dựa trên bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian mà người lao động tham gia BHXH.

Còn đối với cán bộ, công chức, viên chức có chế độ lương do nhà nước quy định có toàn bộ thời gian làm việc tham gia BHXH theo chế độ lương nhà nước thì sẽ tùy vào các mốc thời gian tham gia BHXH mà sẽ tính lương bình quân tháng đóng BHXH theo mức 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm cuối đóng BHXH.

Lý giải cho cách tính trên, địa diện BHXH Việt Nam cho biết, cán bộ, công chức làm khu vực công 3 năm mới được tăng lương 1 lần, cả lương cơ sở cũng tăng rất chậm. Trong khi đó, khu vực tư hầu như năm nào cũng điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Bị trừ % lương hưu khi nghỉ sớm, lao động vẫn chấp nhận vì lý do này?- Ảnh 2.

Tiền lương hưu của công nhân làm khu vực tư đang được tính dựa trên toàn bộ quá trình đóng BHXH. Điều này có thể khiến tiền lương hưu thấp hơn với công chức, viên chức ở khu vực công. Ảnh: Nguyễn Ngân

Tuy nhiên, theo Luật BHXH từ 1/1/2025 thì người tham gia BHXH bắt buộc ở cả khu vực công và khu vực tư sẽ được tính lương hưu dựa trên cả quá trình. Điều này khắc phục những bất cập trong cách tính lương hưu được cho là chưa công bằng như hiện nay.

Một trong những điểm còn bất cập, vừa qua khi lấy ý kiến sửa đổi Luật BHXH nhiều đơn vị cũng kiến nghị đó là hoán đổi số năm đóng thừa BHXH để không phải trừ tỷ lệ % khi hưởng lương hưu của người lao động.

Điều này khuyến khích người lao động ở lại với hệ thống BHXH. Ngoài ra, việc tính toán nhằm giảm số năm đóng BHXH để lao động có thể nhận lương hưu tối thiểu cũng là một trong những điểm sáng, nhân văn được nhiều chuyên gia và người lao động ủng hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem