Tình huống pháp lý vụ nam thanh niên tạt xăng, thiêu người cậu ở Bình Dương

T. Nam - K. Trinh Thứ tư, ngày 18/09/2024 06:53 AM (GMT+7)
Theo luật sư Huy, mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Nam thanh niên đổ xăng thiêu sống người thân

Mới đây Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an TP Thủ Dầu Một điều tra làm rõ vụ một người đàn ông bị tưới xăng rồi đốt gây bỏng nặng tại nhà riêng.

Theo thông tin ban đầu, tối 15/9 tại một căn nhà nằm trên đường Bùi Ngọc Thu (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một) đối tượng Nguyễn Trọng Tín (19 tuổi) và người cậu tên P. xảy ra mâu thuẫn.

Trong lúc cự cãi, Tín bất ngờ lấy một chai xăng tạt vào người ông P. rồi châm lửa đốt, sau đó bỏ đi khỏi nhà.

Phát hiện sự việc, người thân đã chạy lại dập lửa rồi đưa ông P. đi cấp cứu.

Thời điểm nạn nhân được đưa tới bệnh viện cơ thể bị bỏng rất nặng, tỉ lệ thương tật khoảng 80%. Sau đó được bệnh viện chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để tiếp tục điều trị.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Luật sư Huy cho biết thêm, hành vi tạt xăng vào người khác rồi châm lửa là hành vi giết người, không phụ thuộc vào việc nạn nhân có chết hay không. Trường hợp nạn nhân bị tạt xăng và được cứu sống thì cũng sẽ tạo ra thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến thẩm mĩ, tinh thần của nạn nhân.

Quy định về tội giết người

Theo quy định của pháp luật, tội Giết người là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự năm 2015.

Tình huống pháp lý vụ nam thanh niên tạt xăng, thiêu người cậu ở Bình Dương- Ảnh 2.

Nam thanh niên gây ra vụ việc tẩm xăng thiêu sống cậu có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Ảnh: K.L.

Theo hướng dẫn của TAND tối cao tại tại Điểm a, Khoản 1, Chương 2 Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 về áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của BLHS đối với tội giết người: Thực hiện tội giết người một cách man rợ; Điểm b, như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội…

Như vậy theo luật sư Huy, người bị cáo buộc có thể đối mặt với mức án theo quy định tại Khoản 1, Điều 123, Bộ luật hình sự năm 2015, với hình phạt có thể là phạt từ từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đồng thời, người nào thực hiện hành vi giết người bằng hình thức đổ xăng đốt trong những tình huống như vậy có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, sử dụng phương tiện có thể làm chết nhiều người. Nếu các tình tiết này là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Luật sư Huy cho hay, phía cơ quan điều tra có thẩm quyền cũng sẽ căn cứ vào sự hợp tác của người phạm tội trong quá trình điều tra, việc bồi thường, khắc phục hậu quả, các tình tiết về nhân thân người phạm tội, động cơ dẫn đến tội phạm… từ đó xem xét khung hình phạt, mức hình phạt phù hợp cho người phạm tội theo quy định của pháp luật.

"Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tâm lý, xã hội cũng như về pháp luật. Việc tăng cường sự giáo dục, tăng cường kỹ năng sống, rèn luyện con người có nhân cách, có trách nhiệm phải biết tôn trọng người khác là cần thiết. Đồng thời, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, biết kiểm kiềm chế cảm xúc, sống có trách nhiệm với cộng đồng thì mới giảm thiểu được những vụ việc đau lòng như vụ việc trên", luật sư Huy nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem