Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phổ biến ở nhiều tỉnh
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh
Diệu Linh
Thứ sáu, ngày 08/07/2022 14:52 PM (GMT+7)
Sáng 8/7, tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về BHYT, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh.
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thừa nhận hiện nhiều tỉnh, thành đang diễn ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế như Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam...
Theo ông Phúc, nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được.
"Mới đây Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung, hi vọng trong tháng 7 này sẽ có được kết quả để công bố với dư luận. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỉ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán khám chữa bệnh.
Đây đều là các thuốc có nhu cầu sử dụng cao, giá trị lớn thuộc nhóm 1, nhóm 2. Đó cũng là nút thắt lớn cần tháo gỡ để giải quyết việc thiếu thuốc điều trị cho người bệnh hiện nay" - ông Phúc nhận định.
BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu BHXH địa phương phối hợp với ngành Y tế để đẩy nhanh công tác đấu thầu thuốc. Quan điểm của cơ quan bảo hiểm là giám định nhanh nhất có thể với đề xuất để các bệnh viện để nhanh chóng mua sắm thuốc.
Về 1 số đề xuất tìm cách "bù thiệt hại" cho những người bệnh BHYT đã phải đi mua thuốc, mua vật tư y tế nằm trong danh mục BHYT chi trả, ông Phúc khẳng định hiện không có quy định nào thanh toán cho người bệnh mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài. Trách nhiệm cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người tham gia BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh thực hiện.
Theo ông Phúc, 1 số trường hợp đặc biệt, người bệnh mua thuốc BHYT bên ngoài được thanh toán trực tiếp nhưng cần phải xác định từng trường hợp cụ thể có nằm trong diện được thanh toán trực tiếp hay không.
"Chúng tôi chờ ý kiến, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai thực hiện. Có 2 hình thức là cơ sở khám chữa bệnh thanh toán cho người bệnh, sau đó BHXH sẽ quyết toán cho cơ sở khám chữa bệnh và có thể thanh toán trực tiếp.
Song việc thanh toán trực tiếp sẽ khó khăn. Theo quy định cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm, vừa đảm bảo mức giá, chất lượng, quyền lợi cho người tham gia BHYT", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo BHXH Việt Nam, danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT bao gồm 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.
Trong đó có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán.
Đây chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm thuốc có giá thành cao, chi phí lớn hoặc thuốc thế hệ mới cần được sử dụng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để đảm bảo tính chi phí hiệu quản, mặt khác thuộc nhóm thuốc đã có nhiều hoạt chất khác có tác dụng tương tự được quỹ BHYT thanh toán 100%.
Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm.
Theo báo cáo của WHO, các nước có điều kiện tương đồng như Thái Lan, Indonesia, Philipin danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của người tham gia BHYT bình quân khoảng 600 thuốc (Thái Lan: 660, Indonesia: 601).
Theo đó, với Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại nước ta đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được tiếp cận được các thuốc mới phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, giải quyết được các vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.