TP.HCM cắm mốc gần 72 km bờ sông Sài Gòn để hạn chế lấn chiếm

Hồng Trâm Thứ ba, ngày 21/02/2023 17:16 PM (GMT+7)
TP.HCM sẽ cắm mốc gần 72km bờ sông Sài Gòn từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh để hạn chế san lấp lấn chiếm, đồng thời tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch.
Bình luận 0

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh rạch trên địa bàn thành phố.

TP.HCM cắm mốc gần 72 km bờ sông để hạn chế lấn chiếm - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ cắm mốc gần 72km bờ sông Sài Gòn từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh để hạn chế san lấp lấn chiếm. Ảnh: PLO

Cụ thể, trong 2 năm 2023 - 2024, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tổ chức cắm mốc gần 72 km chiều dài sông Sài Gòn. 

Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến khoảng 553,2 km, tổng chiều dài mép bờ cao khoảng 926,8 km. 

Trong đó, riêng việc cắm mốc sông Sài Gòn sẽ được thực hiện từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh, với chiều dài gần 72 km.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho hay, việc cắm mốc là để triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM cắm mốc gần 72 km bờ sông để hạn chế lấn chiếm - Ảnh 1.

Việc cắm mốc sẽ tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch. Ảnh: H.T

Ngoài ra, công tác này cũng nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh rạch và phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông suối, kênh rạch; làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm gây tác hại xấu, sạt lở bờ sông suối, kênh rạch trên địa bàn.

Việc cắm mốc sẽ tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch (như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, công trình điện...).

Việc cắm mốc cũng nhằm đảm bảo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp. 

Đồng thời, công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Để kế hoạch được thực hiện đồng bộ, Sở này yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức trong tổ chức triển khai thực hiện.

TP.HCM cắm mốc gần 72 km bờ sông để hạn chế lấn chiếm - Ảnh 3.

Việc cắm mốc để dẹp lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch. Ảnh: H.T

Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức hỗ trợ cung cấp hồ sơ, dữ liệu, bản đồ các dự án đầu tư được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đã triển khai nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ sông suối, kênh rạch, hồ công cộng của 59 tuyến trên. UBND cấp xã được đề nghị thông báo đến các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực khảo sát định vị cắm mốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện nhiệm vụ.

Được biết, trước đó UBND TP.HCM đã ban hành hai quyết định vào năm 2004 và 2017 về quản lý, sử dụng hành lang ven bờ sông, kênh rạch. Trong đó, hành lang bảo vệ các tuyến lớn ở thành phố hiện quy định mỗi bên bề rộng 30-50 m, tuỳ đoạn. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch ở thành phố diễn biến có xu hướng phức tạp trong các năm gần đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem