TP.HCM: Hàng nghìn tỷ đồng thực hiện hai tuyến đường sắt đô thị chưa thể giải ngân
TP.HCM: Hàng nghìn tỷ đồng thực hiện hai tuyến đường sắt đô thị chưa thể giải ngân
Quang Phương
Thứ bảy, ngày 17/10/2020 09:03 AM (GMT+7)
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: Hàng nghìn tỷ đồng được Trung ương phân bổ từ nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM đến nay chưa thể giải ngân được.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết: năm 2020, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên) được Trung ương phân bổ từ nguồn vốn ODA là 2.185 tỷ đồng nhưng đến 14/10 vẫn chưa giải ngân được.
Đó là do việc xác định giá trị ODA cấp phát còn lại bằng tiền yên Nhật còn vướng mắc, chưa giải quyết dứt điểm, mặc dù UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã làm việc với Bộ Tài Chính, Bộ KHĐT.
Cụ thể, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương bằng yên Nhật theo ý kiến của Bộ Tài chính và bố trí vốn năm 2020 cho dự án hết phần ODA cấp phát chưa giải ngân là 17,806 tỷ yên Nhật (tương đương 3.758 tỷ đồng theo giá tạm tính 1 yên Nhật = 211 VNĐ).
Mới đây nhất, ngày 6/10, UBND TP.HCM đã báo cáo, đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ KHĐT xem xét, giải quyết để dự án tiếp tục được triển khai và đảm bảo hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác vào năm 2021.
Ông Cường cho biết thêm: Về công tác vận hành, khai thác tuyến metro số 1, UBND TP.HCM đã đồng ý kế hoạch nhân sự. Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TP. HCM đã tuyển chọn được 59 kỹ thuật viên lái tàu và bắt đầu đào tạo từ ngày 20/7. Hiện đang tuyển chọn, đào tạo 19 kỹ thuật viên điều độ và 9 trưởng ga.
Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đi qua 6 quận (1,3,10,12, Tân Bình, Tân Phú) với tổng diện tích 251.136m2. Đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường, đạt 99% (597/603 trường hợp). Trong đó, các quận 1, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%; tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 67,7%.
Về dự án tuyến metro số 2, theo kế hoạch, vốn ODA cấp phát đã phân bổ cho dự án là 381,791 tỷ đồng, dự kiến giải ngân vào quý IV. Ông Cường cho biết, lý do công tác giải ngân vốn ODA chậm là vì việc thực hiện thủ tục đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng số 13 (thuộc gói thầu tư vấn thực hiện dự án IC) bị chậm trễ.
Từ những vướng mắc trên, Ban quản lý đường sắt TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM: Chỉ đạo các sở ngành phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt hoàn thành và triển khai cơ chế tự chủ tài chính để sớm ổn định hoạt động của đơn vị; chỉ đạo Sở Xây dựng TP.HCM sớm tham mưu UBND TP.HCM về thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM sớm có ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến hợp đồng Tư vấn IC của tuyến đường sắt đô thị số 2.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.