Trầm trồ ngắm những quả đồi trồng vải thiều sai trĩu trịt lần đầu xuất Nhật
Trầm trồ ngắm những quả đồi trồng vải thiều sai trĩu trịt lần đầu xuất Nhật
Đức Duy
Thứ năm, ngày 07/05/2020 08:00 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm nỗ lực sản xuất vải thiều theo hướng an toàn, áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đến nay hơn 100ha diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của tỉnh Bắc Giang đã có thể xuất khẩu quả tươi sang thị trường Nhật Bản.
Hiện nay Bắc Giang là vựa vải thiều lớn nhất cả nước, sản lượng vải thiều của địa phương này chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều trên toàn quốc.
Đến thời điểm này, diện tích vải thiều chính vụ đã đậu quả, trong khi diện tích vải chín sớm đã cho quả lớn, chỉ khoảng 1 tuần nữa là có thể thu hoạch. Căn cứ vào tình hình thực tế, vụ vải thiều Bắc Giang năm 2020 được các chuyên gia dự đoán là sẽ được mùa.Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích vải sớm là 6.000 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn.
Sau nhiều năm nỗ lực sản xuất vải thiều theo hướng an toàn sinh học, đến nay, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha (chiếm 53% tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh) với sản lượng ước đạt 110.000 tấn. Bên cạnh đó, diện tích vải thiều đạt chứng nhận GlobalGAP khoảng 80ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Anh Trịnh Đình Hãnh (Hợp tác xã Bình Hãnh, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn), có khoảng 4ha vải thiều với hàng trăm gốc vải. Anh cho biết: "Năm nay, mỗi gốc vải có thể cho thu hoạch tới trên dưới 1 tạ vải thiều. Điều khiến chúng tôi vui nhất là toàn bộ 15 ha vải của hợp tác xã năm nay đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và đã được doanh nghiệp bao tiêu với mức giá cao hơn nhiều so với mọi năm".
“Để vải đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tốn rất nhiều công sức. Từ cách thức canh tác tới các loại phân bón, thuốc trừ sâu. Lúc nào bón phân, lúc nào phun thuốc đều phải tuân thủ chặt chẽ theo những yêu cầu khắt khe của phía Nhật Bản. Vất vả một chút, nhưng kết quả là năm nay lần đầu tiên vải của chúng tôi được chứng nhận để xuất khẩu sang Nhật Bản” Anh Hãnh cho biết thêm.
Ngay đầu lối vào HTX Bình Hãnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã gắn biển vùng sản xuất vải thiều đạt chuẩn GlobalGAP để xuất sang thị trường Nhật Bản.
Theo ông Cao Văn Hoàn – Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, nếu dịch bệnh Covid-19 diễn biến ở mức độ vẫn có thể giao thương và xuất khẩu, Lục Ngạn sẽ đưa ra nhiều biện pháp tăng cường phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như người dân. Huyện sẽ kiến nghị lên các cấp cho phép khoảng 400 thương nhân người nước ngoài sang cách ly 14 ngày trước thời vụ thu hoạch chính. Khi các thương nhân này đảm bảo tình trạng sức khỏe, huyện sẽ tiến hành ký kết, cho phép họ thu mua vải thiều. Đồng thời, các chương trình xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài sẽ được tiến hành trực tuyến.Bên cạnh đó, với các điểm thu mua vải thiều, các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên áp dụng các phương án phòng chống dịch, người tham gia thu mua vải phải đeo khẩu trang, tại các điểm thu mua phải có nước rửa tay, nước sát khuẩn...
Một hộ dân khác trong HTX Bình Hãnh đang cắt tỉa cành vải để cho cây vải phát triển tốt hơn.
Được biết, đến nay tỉnh Bắc Giang đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích 103 ha thuộc các xã Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn) và xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên).
Cùng với việc rà soát, cấp mã số vùng trồng, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất vải an toàn, đúng tiêu chuẩn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép, ghi nhật ký sản xuất… Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, với thị trường Trung Quốc, tỉnh tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng với gần 15.900 ha, chiếm trên 56% tổng diện tích, chiếm 60% tổng sản lượng. Có 288 cơ sở được Trung Quốc cấp mã đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường này. Tỉnh cũng duy trì 18 mã số vùng trồng với sản lượng trên 1.500 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, EU…
Những vườn vải thiều bạt ngàn, phủ kín các quả đồi ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đang cho rất nhiều quả non, dự báo được mùa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.