Trồng cao su đạt chứng chỉ rừng bền vững được doanh nghiệp đưa vào "tầm ngắm"
Trồng cao su đạt chứng chỉ rừng bền vững được doanh nghiệp đưa vào "tầm ngắm"
Nguyên Vỹ
Chủ nhật, ngày 23/04/2023 18:20 PM (GMT+7)
Trồng và phát triển rừng bền vững là hướng đi đảm bảo cho tương lai của ngành cao su. Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều nhóm hộ trồng cao su tiểu điền cũng đang nỗ lực đạt các chứng nhận về rừng bền vững.
Với 2 nhà máy, hàng năm, Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh (Tây Ninh) thu mua và chế biến lượng lớn mủ cao su từ các hộ cao su tiểu điền. Nhiều năm qua, Công ty Liên Anh đã chủ động triển khai để được cấp chứng nhận FSC (chứng nhận phát triển rừng bền vững do Tổ chức FSC cấp).
Ông Phan Đỗ Trọng Nhân - Trưởng Ban FSC Cao su Liên Anh cho biết, khó khăn lớn nhất khi đồng hành cùng cao su tiểu điền thực hiện chứng chỉ rừng bền vững là nhiều nhà vườn vẫn chưa hiểu về FSC. Do đó, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để liên kết và giải thích cho nhà vườn. Hơn nữa, chi phí để thực hiện cấp chứng chỉ còn nhiều và cao, trong khi nhiều nhà vườn không chịu bỏ ra 10% diện tích rừng để bảo tồn vì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của hộ gia đình.
Công ty Liên Anh phải nghiên cứu chính sách giá mua phù hợp cho các hộ đạt chứng chỉ rừng bền vững. Đồng thời, công ty đưa ra nhiều chính sách mua bán khác hấp dẫn hơn để thu hút bà con tham gia phát triển rừng bền vững. Ngoài những nhà vườn có diện tích lớn từ 100-350ha, những hộ trồng cao su tiểu điền, có diện tích nhỏ hơn cũng được Công ty Liên Anh "đưa vào tầm ngắm" trong kế hoạch phát triển rừng bền vững của mình.
Đến cuối tháng 3/2023, VRG có 26 công ty thành viên đã hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững, với diện tích đạt 274.320ha. Trong đó, 17 thành viên VRG được cấp Chứng nhận Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM với gần 110.000ha cao su.
Ông Nhân cho biết, công ty liên kết, ký hợp đồng với khoảng 40 nhà vườn có diện tích từ 50-100ha. Thông qua các liên kết này, Công ty Liên Anh tổ chức tập huấn cho bà con biết về chứng chỉ rừng FSC, làm tiền đề tiếp tục mở rộng ở các vùng trồng cao có diện tích nhỏ hơn.
Cuối năm 2022, Công ty Liên Anh được cấp chứng nhận FSC-FM cho diện tích 128,4ha cao su. Tại thời điểm đó, Công ty Liên Anh là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận FSC-COC /FM trong lĩnh vực sản xuất mủ cao su. Công ty Liên Anh đặt mục tiêu trong tháng 5/2024 sẽ mở rộng thêm 400ha và tổng diện tích rừng cao su đạt chứng nhận rừng bền vững FSC-FM đến cuối 2024 là khoảng 1.000ha.
Tham gia nhóm trồng rừng bền vững sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp hòa nhập xu thế bền vững của thị trường trong nước và quốc tế. "Khi đạt chứng chỉ rừng trồng bền vững, cao su khai thác từ những rừng này sẽ có thị trường ổn định hơn, giá bán cao hơn so với mủ cao su không có chứng chỉ" - ông Nhân nói.
Tại Việt Nam, 2 chứng chỉ rừng bền vững phổ biến là FSC và VFCS/PEFC. Trong đó, VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia) do Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững tổ chức thực hiện, và được Tổ chức PEFC công nhận. So với FSC, những tiêu chí của VFCS mở hơn, được xây dựng để phù hợp với các chủ rừng có nhỏ, đối tượng chủ yếu của ngành lâm nghiệp trong nước.
Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững Việt Nam (VFCO) cho biết, vừa qua, tỉnh Bình Phước cũng có gần 3.000ha rừng trồng cao su tiểu điền được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC.
Đây là những rừng trồng cao su của 121 hộ gia đình, trên địa bàn 2 xã Minh Lập và Minh Thắng (huyện Chơn Thành); và cũng là những diện tích cao su tiểu điền đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Theo VFCO, việc phát triển rừng trồng cao su bền vững có vai trò quan trọng, đảm bảo các sản phẩm mủ và gỗ cao su của Việt Nam được đón nhận ở nhiều thị trường. Rừng bền vững sẽ nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng và cả doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su.
Ông Trương Minh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, phát triển bền vững là chủ trương quan trọng của VRG. Trong đó, thực hiện quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm là 1 trong những hoạt động trọng tâm. Bên cạnh việc thường xuyên nâng cấp nguồn lực, VRG ưu tiên củng cố và mở rộng hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế có cùng mục tiêu. "Qua đó, VRG cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho các hoạt động phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam cũng như của Tập đoàn"- ông Trung chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.