Ở một huyện của Khánh Hòa trồng sầu riêng kiểu gì mà một mình một chợ, đang tính xuất khẩu sang Mỹ

Chủ nhật, ngày 08/10/2023 05:44 AM (GMT+7)
Sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được trồng theo hướng organic (sầu riêng hữu cơ), tiêu chuẩn quốc tế USDA, thu hoạch sầu riêng trái mùa, làm nên thương hiệu đặc biệt ở thị trường trong nước và xuất khẩu
Bình luận 0

Khi các vựa sầu riêng lớn ở Đông và Tây Nam Bộ, Tây Nguyên hết vụ thì sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu vào vụ, khoảng tháng 8 và 9 hằng năm. Điều đặc biệt này giúp sầu riêng Khánh Sơn "một mình một chợ", chiếm lĩnh thị trường từ Hà Nội vào TP HCM và các tỉnh miền Tây...

Sầu riêng Khánh Sơn được mùa, được giá

Với thương hiệu sầu riêng trái vụ, cơm vàng hạt lép, giá sầu riêng Khánh Sơn đã tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Những năm gần đây, các nhà vườn ở Khánh Sơn hầu như đã được thương lái đặt hàng, thậm chí ký hợp đồng thu mua từ trước khi vào vụ. 

Năm nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 2.500 ha trồng sầu riêng, trong đó 1.200 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, ước khoảng 15.000 tấn.

Ông Lương Xuân Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, cho biết sầu riêng được thương lái mua tại vườn từ 70.000 - 95.000 đồng/kg, tăng từ 1,5 - 2 lần so với các vụ mùa trước.

Năng suất 10-15 tấn/ha, nhiều hộ dân thu về trung bình 700 triệu đến trên 1 tỉ đồng/ha. Sầu riêng được mùa, được giá khiến đời sống người dân huyện miền núi Khánh Sơn đã thay đổi rõ rệt.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Khánh Sơn, với đặc thù đất đỏ bazan trộn lẫn đất phù sa, độ pH là 5-6, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao nên Khánh Sơn đã cho ra đời những trái sầu riêng có chất lượng rất đặc sắc. 

Các giống sầu riêng như Monthong, Ri6, Chín Hóa khi trồng ở đây đều cho quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu… khiến người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Lương Xuân Quyết, vụ mùa này sầu riêng Khánh Sơn đang "cháy hàng", nhiều doanh nghiệp đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc… Để nâng cao năng suất, nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật…, điều này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường hiện nay.

Ở một huyện của Khánh Hòa trồng sầu riêng kiểu gì mà một mình một chợ, đang tính xuất khẩu sang Mỹ? - Ảnh 1.

Thu hoạch sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Vì sức khỏe, phát triển bền vững

Điều đáng nói là hiện nay, người trồng sầu riêng ở đây có xu hướng canh tác nông nghiệp sạch - organic (hữu cơ), tức là không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, bùn thải, sinh vật biến đổi gien hoặc bức xạ ion…

Dẫn chúng tôi vào vườn sầu riêng 4 năm tuổi, ông Quyết cho biết trang trại Sakura Farm (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) là trang trại sầu riêng organic lớn nhất huyện với 5 ha, phát triển 700 gốc.

Sakura Farm dưới chân đồi thoải, được đầu tư hệ thống tưới tiêu từ trên cao. Những cây sầu riêng ở đây được trồng thẳng lối và đánh số thứ tự, chẳng hạn C10.11 - nghĩa là khu C, hàng thứ 10, cây số 11. Toàn bộ cây sẽ được quản lý bằng phần mềm. Từ đó, người trồng sẽ lên kế hoạch thời vụ, lịch kiểm tra, lịch bón phân, phòng sâu bệnh… 

Dưới mỗi gốc sầu riêng được gắn 2 vòi tưới tự động; khi đến lịch bón phân thì phân sẽ hòa vào nước để đến từng cây. Bộ phận giám sát chỉ đi kiểm tra, hướng dẫn công nhân làm việc. Khi thu hoạch, người mua rất dễ truy xuất nguồn gốc. Mỗi cây sầu riêng sẽ có đủ các thông số kỹ thuật, lượng phân bón, ngày thu hoạch…

Anh Nguyễn Quốc Huy, kỹ thuật viên trưởng của Sakura Farm, cho biết anh đã trồng sầu riêng từ An Giang, Bình Dương, Đắk Lắk và khi mua lại một vườn sầu riêng ở Khánh Sơn thì đánh giá nhiều nhà vườn ở đây trồng chưa đúng kỹ thuật, còn lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chưa mạnh dạn chuyển đổi số.

Ở một huyện của Khánh Hòa trồng sầu riêng kiểu gì mà một mình một chợ, đang tính xuất khẩu sang Mỹ? - Ảnh 2.

Canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Sakura Farm ở Khánh Sơn

Theo anh Huy, hướng đến nông nghiệp sạch, trang trại của anh hoàn toàn không sử dụng hóa chất nhằm bảo tồn hệ vi sinh vật dưới đất, các loại côn trùng, thiên địch của rầy hại. Bên cạnh đó, bảo vệ nông dân tránh tác hại khi phun thuốc hóa học… 

Để chuyển qua trồng theo hướng organic, nhà vườn cần thời gian dài hơn, đầu tư nhiều hơn so với sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Tuy nhiên, khi cây đã phát triển tốt thì chi phí sẽ tiết giảm, hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. 

Khi sầu riêng ra trái, cây sẽ cho năng suất cao hơn. Đơn cử là vườn sầu riêng mà Sakura Farm hỗ trợ kỹ thuật ở xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) đạt năng suất đến 20 tấn/ha.

"Chúng tôi đang có đơn hàng để xuất sang Mỹ nhưng điều bắt buộc là phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA - Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Chúng tôi hiện đã đưa mẫu để kiểm tra, đánh giá. Nếu đạt chuẩn USDA, sầu riêng Khánh Sơn sẽ tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều. 

Các đối tác Mỹ sẽ đưa ra giá cố định chứ không lên xuống theo thị trường. Đặc biệt, sầu riêng trồng theo phương pháp organic sẽ tăng chỉ số chống ôxy hóa, giữ được vị nguyên bản của sầu riêng thơm, ngọt, béo khi không có các hóa chất" - ông Huy khẳng định.

Hướng đến xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Theo Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay, toàn huyện có 450 ha sầu riêng VietGAP; 22 vùng xin cấp mã số vùng trồng đang được huyện phối hợp cơ quan chức năng thẩm định. Trong đó, 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

"Chúng tôi rất mừng khi người dân đang phát triển cây sầu riêng theo hướng hữu cơ, nhiều nhà vườn tập trung đạt các tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng" - ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, bày tỏ.

Ông Dũng cho biết địa phương xác định với cây sầu riêng, sẽ chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp"; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Các sản phẩm từ sầu riêng sẽ phát triển đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái để phát triển bền vững… Từ đó, đáp ứng xuất khẩu chính ngạch không chỉ với Trung Quốc mà hướng đến Mỹ, Nhật, châu Âu.

Cây thoát nghèo

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) cho biết huyện sẽ phát triển đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phát triển cây ăn quả, chủ lực là cây sầu riêng, nhằm giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, sớm thoát nghèo.

Huyện Khánh Sơn đang phấn đấu mỗi gia đình chỉ cần trồng 10 - 15 cây sầu riêng đúng chuẩn sẽ đem về thu nhập 70- 100 triệu đồng/hộ/năm.

Từ năm 2012, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ - chủ sở hữu là UBND huyện Khánh Sơn. Năm 2019, sầu riêng tiếp tục được Tổng hội NN-PTNT bình chọn là "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam".

Kỳ Nam (Báo Người Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem