Trung Quốc mua gần 1 triệu tấn một loại tinh bột của Việt Nam để làm gì?

K.Nguyên Thứ tư, ngày 23/08/2023 12:30 PM (GMT+7)
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023.
Bình luận 0

Trung Quốc mua đến 92% lượng tinh bột sắn của Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. 

Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc đã sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu yếu, cùng với việc đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 589,27 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 89,8% về lượng và chiếm 88,54% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2023 đến nay và đạt mức cao trong tháng 7/2023. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022, xuống mức 398,5 USD/tấn.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 88% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước; trong khi lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 92,6% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước.

 Xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc giảm; trong khi xuất khẩu sắn lát vẫn trong xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023, với lượng xuất khẩu đạt khoảng 933.000 tấn, chiếm tỷ trọng 92,6%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chiếm 95,2%.

Trung Quốc tăng mua tinh bột sắn, sắn lát chủ yếu phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.

Tuy vậy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc, cùng với các ưu thế về địa lý, giá rẻ và là bạn hàng quen thuộc của Trung Quốc.

Trung Quốc mua gần 1 triệu tấn một loại tinh bột của Việt Nam để làm gì? - Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La sơ chế sắn tươi nguyên liệu. Ảnh: Báo Sơn La.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có xu hướng tăng mua các sản phẩm sắn của Việt Nam. 

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 129.930 tấn sắn, trị giá 45,7 triệu USD, giảm 18,7% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Hàn Quốc, với 62.060 tấn, trị giá 17,31 triệu USD, thị phần sắn của Việt Nam chiếm 47,77% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, thấp hơn so với mức 59,23% của 7 tháng đầu năm 2022. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 23.520 tấn tinh bột sắn, trị giá 12,38 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023, với 3.110 tấn, trị giá 1,73 triệu USD, tăng 46,1% về lượng và tăng 40,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 13,22% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, tăng mạnh so với mức 10,73% của 7 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 86,57% tổng lượng tinh bột sắn của Hàn Quốc, giảm so với mức 89,26% của cùng kỳ năm 2022. 

Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn, trong khi giảm nhập khẩu sắn. 

"Tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ Thái Lan. Do đó Việt Nam cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhằm duy trì và mở rộng thị phần", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Giá sắn tươi được điều chỉnh tăng

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện, một số nhà máy tinh bột sắn tại Tây Ninh điều chỉnh giá mua sắn tươi tăng từ 50-100 đồng/kg. Giao dịch tinh bột sắn qua cửa khẩu Móng Cái vẫn ảm đạm. Các đơn vị có tinh bột sắn có xu hướng xuất khẩu qua đường biển nhiều hơn.

Đối với tinh bột sắn xuất khẩu qua đường biển, các nhà máy tinh bột sắn Tây Ninh bắt đầu ký hợp đồng xuất khẩu với giá dao động ở mức 520-530 USD/tấn FOB.

Nhu cầu của Trung Quốc chậm, nhưng vụ sắn năm nay của Việt Nam và Thái Lan tới muộn, trong khi sản lượng sắn củ tươi giảm tại cả Việt Nam và Thái Lan nên các đơn vị xuất khẩu tinh bột sắn cũng rất thận trọng trong chào giá vụ mới.

Để tăng năng suất và sản lượng cho cây sắn trong giai đoạn năm 2023-2028, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã chủ động kết hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành xây dựng lộ trình phát triển bền vững ngành sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển ngành sắn theo hướng nâng cao giá trị bền vững, tỷ lệ chế biến sau tinh bột đạt 15%, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD/năm.

Theo nhu cầu và xu thế của thị trường, chế biến sâu sau tinh bột là điều tất yếu để ngành sắn phát triển đa dạng, có chiều sâu trong tương lai, là yếu tố cần thiết và cần ưu tiên hàng đầu để đảm bảo phát triển bền vững cây sắn trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, để ngành sắn phát triển một cách ổn định, bền vững và có chất lượng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước, đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất.

Đồng thời, xây dựng Trung tâm Phát triển giống sắn nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem