Từ vụ Đại học Tôn Đức Thắng cần đánh giá mô hình tự chủ đại học
Từ vụ Đại học Tôn Đức Thắng, ngành GD-ĐT cần đánh giá mô hình tự chủ đại học
Lương Kết (thực hiện)
Thứ năm, ngày 05/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
“Việc tự chủ đại học không phải tự nó tạo ra chất lượng đào tạo nhưng tự chủ đại học, đặc biệt ở Việt Nam là mới, nếu được triển khai thực hiện thì sẽ tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển...”, Giáo sư -Viện sĩ (GS-VS) Đào Trọng Thi nói.
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, PV Dân Việt có trao đổi với Giáo sư -Viện sĩ (GS-VS) Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Nhìn vào quá trình thực hiện thí điểm tự chủ đại học và nay chúng ta đang thực hiện theo Luật giáo dục đại học 2018, GS thấy diện mạo của tự chủ đại học thế nào?
- Thực ra đây là một quá trình cần thực hiện lâu dài, chúng ta đang chuyển đổi từ một nền giáo dục đại học theo mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó quá trình chuyển đổi phải dần dần.
Vấn đề tự chủ đại học của chúng ta trước đây cũng đã được nhắc tới, Luật giáo dục đại học năm 2012 cũng đã quy định rõ về tự chủ đại học, đến Luật giáo dục đại học năm 2018, tính tự chủ đại học đã được nâng lên rất nhiều. Nhưng để đưa Luật vào cuộc sống cũng là vấn đề khó hơn nữa. Vì sao? Vì phải vượt qua những trở ngại trong chính nhận thức của chúng ta.
Tuy nhiên có thể thấy rõ về phương diện luật pháp càng ngày càng được hoàn thiện. Có thể nói, việc tự chủ đại học chúng ta cũng đã có những bước tiến nhưng vẫn còn có không ít khó khăn. Khi thực hiện, bên cạnh Luật giáo dục đại học sẽ còn liên quan đến các luật khác, ví dụ như vấn đề tài chính, tài sản công, việc quản lý, quản trị...
Tự chủ đại học chúng ta đã có những bước tiến nhưng đó chỉ là những bước tiến đầu tiên. Luật giáo dục đại học năm 2018 mới có hiệu lực hơn một năm nay, mọi việc cũng đang được triển khai và không thể trong thời gian ngắn mà mọi thứ được hình thành hoàn và thiện ngay được.
Theo GS, việc triển khai tự chủ đại học thời gian qua có những vấn đề bất cập nào nhìn từ góc độ giáo dục?
- Có lẽ bất cập chính là các trường đại học chưa phải đã sẵn sàng, chưa phải đã tích cực trong việc sử dụng quyền tự chủ mà pháp luật quy định. Tôi nói một việc đơn giản hơn như việc tuyển sinh đại học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tuyên bố trao quyền tự chủ cho các trường trong việc tuyển sinh nhưng cũng chẳng có mấy trường đại học dám đứng ra tổ chức tuyển sinh, vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Lần này Bộ GD-ĐT cũng tuyên bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là hai mục đích nữa mà phục vụ chính cho mục đích xét tốt nghiệp, mà xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học là hai yêu cầu, hai mục đích hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để kiểm tra xem học sinh có đạt được những chuẩn theo yêu cầu không, tức là một yêu cầu mang tính đại trà nên gần như tất cả học sinh có thể đạt được, năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp cả nước hơn 98%, thì làm sao dùng kết quả đó để tuyển sinh đại học mà có thể khẳng định tốt được.
Việc giao quyền tự chủ trong tuyển sinh đại học chính là trao cơ hội cho các trường thực hiện thêm những yêu cầu để tuyển sinh phù hợp hơn với từng trường, từng ngành nghề. Thế nhưng không phải trường đại học nào cũng sốt sắng với việc này, mặc dù điều đó là phục vụ cho chính họ.
Từ câu chuyện trên để thấy không phải cứ giao quyền tự chủ là các trường sốt sắng thực hiện.
Nghĩa là khi thực hiện quyền tự chủ phải cần vai trò, sự tích cực vào cuộc từ chính các trường thưa GS?
- Tôi nói như vậy để thấy việc tự chủ đối với các trường đại học cần một quá trình, không thể đòi hỏi nhanh được nhưng có thể thấy định hướng của Nhà nước là rất rõ ràng. Tự chủ đại học ở Việt Nam còn đang mới phải từng bước tiến một.
Liên quan đến câu chuyện tự chủ đại học, câu chuyện ở Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) vừa qua được dư luận quan tâm, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT lập đoàn công tác để làm việc. Qua theo dõi GS thấy có vấn đề gì rút ra từ câu chuyện này?
- Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao lập đoàn vào làm việc với Đại học Tôn Đức Thắng, tôi nghĩ nhân dịp này nên có tổng kết, đánh giá mô hình tự chủ đại học. Nói gì thì nói, trường Đại học Tôn Đức Thăng cũng là một cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện quyền tự chủ. Việc thực hiện tốt đến đâu, đúng đến đâu, hiệu quả đến đâu thì cần phải đánh giá để từ đó rút ra kinh nghiệm. Điều gì tốt thì phát huy và mở rộng cho các cơ sở giáo dục đại học khác, còn điều gì chưa tốt thì điều chỉnh. Chính đây là cơ hội tốt để ngành GD-ĐT đánh giá lại một số mô hình tự chủ đại học đã được triển khai.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói trong một Hội nghị giáo dục mới đây, đó là cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường, GS nghĩ sao?
Đấy chính là ý nghĩa của tự chủ đại học. Tự chủ đại học nghĩa là các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan chủ quản hạn chế tối đa can thiệp vào những công việc, đặc biệt là công việc có tính chuyên môn sâu, công việc nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học mà giao quyền đó cho họ tự làm. Còn cơ quan nhà nước giám sát, kiểm tra để khi các cơ sở tự chủ đó không làm đúng quy định của pháp luật thì "tuýt còi", chấn chỉnh. Còn không nên can thiệp sâu, làm thay các trường, đó chính là ý nghĩa của tự chủ.
Việc tự chủ đại học được phát huy tốt sẽ là cơ sở để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng hơn không thưa GS?
- Việc tự chủ đại học không phải tự nó tạo ra chất lượng đào tạo nhưng tự chủ đại học, đặc biệt ở Việt Nam là mới, nếu được triển khai thực hiện thì sẽ tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển, phát huy tính năng động của họ. Như vậy, sẽ khơi những nguồn lực lâu nay chưa được khai thác để huy động vào việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Nói như vậy để thấy, việc tự chủ đại học không đồng nghĩa với chất lượng mà chỉ là tạo động lực, nếu cơ sở giáo dục đại học khai thác tốt thì sẽ cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục, còn tự chủ đại học mà làm không đúng có khi còn ngược lại.
Trong bối cảnh nước ta còn hạn chế về nguồn lực, hạn chế về động lực phát triển, tự chủ đại học là một yếu tố để giúp chúng ta tạo ra nguồn lực mới, động lực mới, để phấn đấu vươn lên làm tốt chất lượng đào tạo đại học. Không nên hiểu một cách đơn giản cứ tự chủ đại học thì tự nhiên mọi cái sẽ tốt, không phải như vậy. Tự chủ chỉ tạo ra cơ hội, điều kiện, còn có tốt hay không thì cơ sở giáo dục đại học đó phải biết khai thác và sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.