Tuổi nghỉ hưu, lương hưu của lao động năm 2022 sẽ được điều chỉnh thế nào?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 16/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Một trong những thay đổi rõ nét nhất chính là tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tăng lên. Bên cạnh đó, cách tính lương hưu cũng có nhiều thay đổi.
Bình luận 0

Tuổi nghỉ hưu tăng lên cả ở lao động nam và nữ 

Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật Lao động năm 2019 điều chỉnh hàng loạt quy định về tuổi nghỉ hưu, cách tính lương hưu, chế độ bảo hiểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Theo lộ trình đã quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được tăng dần như sau: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Như vậy, tính từ năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 6 tháng đối với lao động nam, đủ 55 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ.

Tuổi nghỉ hưu, lương hưu ở lao động nam và nữ

Từ năm 2022, lao động nam đủ 60 tuổi 6 tháng được nghỉ hưu, lao động nữ đủ 55 tuổi 8 tháng. Ảnh minh họa: T.G

Tiếp tục với lộ trình này, các năm sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ, cho tới mốc nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi nghỉ hưu.

Luật Lao động cũng nêu rõ trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động hoặc làm nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người lao động còn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5-10 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu nói trên.

Tuy nhiên, lao động cần có giám định của cơ quan chức năng nếu suy giảm khả năng lao động. 

Năm 2019, khi trình dự thảo Luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐTBXH cho rằng cần thiết phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm hướng tới tạo sự cân bằng, bền vững của quỹ BHXH và ứng phó với việc già hóa dân số. Qua 4 đời bộ trưởng, mất hàng chục năm đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐTBXH mới được quốc hội thông qua. Để giảm "sốc" cho lao động, quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, với điều kiện thực hiện theo lộ trình.

20 năm đóng BHXH mới được tính lương hưu

Theo Luật BHXH năm 2014, lộ trình điều chỉnh cách tính số năm đóng BHXH để tính lương hưu được tăng dần từ năm 2018. Theo đó, từ 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 chỉ cần đóng 16 năm BHXH, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 đóng 19 năm, từ năm 2022 trở đi phải đóng đủ 20 năm BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm công tác, người lao động được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, từ năm 2022, lao động phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu. Mức hưởng khi đóng đủ 20 năm là 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm làm việc được tính thêm 2% cho tới tỷ lệ tối đa là 75%. Do đó, lao động nam muốn hưởng tỷ lệ tối đa 75% thì phải đóng BHXH từ đủ 35 năm trở lên.

Với lao động nữ, cách tính tỷ lệ này năm 2022 không có sự thay đổi so với năm 2021. Mức hưởng lương hưu năm 2022 của lao động nữ vẫn được tính như năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem