Vẫn bị động với chuyện “đến hẹn lại lên”

Thứ tư, ngày 12/03/2014 09:24 AM (GMT+7)
Từ 4-5 năm nay, đã thành quy luật tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cứ hễ bà con nông dân bước vào thu hoạch các vụ lúa như đông xuân, hè thu thì cũng là lúc… giá lúa giảm.
Bình luận 0
Và vụ lúa đông xuân năm nay cũng không nằm ngoài quy luật ấy khi hiện tại có hàng trăm nghìn tấn lúa đang chất đống ngoài đồng mà chưa có người thu mua cho nông dân. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó nổi bật là việc không có đầu ra. Từ đó, dẫn tới tình trạng thương lái bỏ cọc hoặc ép nông dân phải bán lúa với giá thành thấp hơn so với thỏa thuận trước đó.

Trong đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như thế này, chúng ta lại không thấy “bóng dáng” của VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) ở đâu, các cơ quan chức năng nhà nước cũng không thấy sốt sắng vào cuộc giúp nông dân. Họ đi đâu, làm gì trong thời điểm này? Tối 10.3, phóng viên NTNN liên lạc với một lãnh đạo Bộ NNPTNT thì được biết bộ này đang trình Chính phủ đề xuất về kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân.

Đã đành câu chuyện tạm trữ thời gian qua cũng có ý kiến này, ý kiến khác nhưng đó là giải pháp tối ưu để chúng ta có thể “giải cứu” lúa đông xuân vào thời điểm này. Đáng lẽ, kế hoạch đó phải được lên phương án từ trước với các dự báo rõ ràng để đến khi cảm thấy thị trường có dấu hiệu khó khăn, lập tức kế hoạch đó sẽ được ban hành và thực hiện. Thậm chí, mãi tới ngày 15.3 này, các bộ, ngành mới tổ chức họp tại Cần Thơ để tìm giải pháp tiêu thụ lúa đông xuân.

Bây giờ mới lên kế hoạch, có lẽ là phải mất ít nhất 2-3 tuần lễ nữa (nếu được thông qua), việc thu mua tạm trữ mới được triển khai và đến lúc đó người dân cũng chẳng còn lúa nữa mà bán để được hưởng ưu đãi từ chính sách tạm trữ của Chính phủ như nhiều vụ vừa qua. Đến lúc đó, hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ lại rơi vào tay của doanh nghiệp và thương lái, chứ nông dân hoàn toàn không được hưởng lợi.

Một tồn tại nữa của câu chuyện thu mua tạm trữ lúa gạo là tình trạng thiếu kho dự trữ lúa gạo. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ xây mới hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa gạo từ nhiều năm qua, song đến nay hệ thống kho này vẫn chưa được hoàn thành nên không có chỗ chứa lúa cho nông dân.

Bên cạnh đó, công tác dự báo về nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cũng quá yếu kém, dẫn tới sự bị động trong việc bố trí cơ cấu giống, mùa vụ để mặc người nông dân cứ sản xuất ra, còn có bán được hay không thì không biết.

Hàng năm, khu vực ĐBSCL sản xuất ra được khoảng 21-22 triệu tấn lúa, 100% lượng lúa gạo xuất khẩu chính ngạch đều từ khu vực này. Song có thể nói, cho đến nay chúng ta vẫn không có một sự chuẩn bị rõ ràng về kế hoạch tiêu thụ, dự trữ mà cứ đến khi thấy báo chí, dư luận, bà con lên tiếng kêu không bán được lúa, lúc đó các bộ, ngành mới vội vã vào cuộc tìm cách tiêu thụ lúa gạo cho nông dân thì đã quá trễ. Và đương nhiên, người chịu thiệt hại không ai khác chính là những người trực tiếp làm ra hạt lúa.
Ngọc Lê (Ngọc Lê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem