Vì sao Bộ Xây dựng chưa "thoái vốn" khỏi Tổng công ty xây dựng Hà Nội?

Quang Dân Thứ ba, ngày 15/12/2020 12:00 PM (GMT+7)
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo hủy phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, UPCoM: HAN) do Bộ Xây dựng sở hữu dự kiến tổ chức ngày 16/12.
Bình luận 0

Nguyên nhân do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 9/12) không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.

Trước đó, Bộ Xây dựng muốn đấu giá hơn 139 triệu cổ phần, tương đương 98.83% vốn tại Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp)  với giá khởi điểm được HNX công bố ở thời điểm hiện tại là 19.930 đồng/cổ phần, cao hơn thị giá của HAN khoảng hơn 20%. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào ngày 16/12/2020. Nếu thoái vốn thành công, Bộ Xây dựng dự thu về 1.375,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây không phải là đầu tiên, nhà đầu tư "thờ ơ" với cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng này. Trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Bộ Xây dựng đã đưa 49,74 triệu cổ phần Hancorp ra đấu giá với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phiên IPO thất bại nặng nề khi 203 nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng khối lượng đặt mua chỉ là 1.575.700 cổ phần, thu về hơn 16 tỷ đồng.

Nhà đầu tư không mặn mà với Hancorp

Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với đợt thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp), dù đây là một thương hiệu lớn trong ngành xây dựng và với quy mô bán vốn lớn, nhà đầu tư có thể hoàn toàn chi phối doanh nghiệp?

Trao đổi vấn đề này với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thoái vốn khỏi Hancorp của Bộ Xây dựng phụ thuộc rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh doanh của ngành xây dựng cực kỳ trì trệ, cổ phiếu của các doanh nghiệp cùng ngành lao dốc, dẫn đến tiến trình vốn đã gặp nhiều vấn đề càng thêm khó khăn hơn.

Vì sao Bộ Xây dựng mãi vẫn không "thoái vốn" khỏi Hancorp? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng loay hoay với bài toán thoái hoá vốn Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp)

Bên cạnh đó, bản thân kết quả doanh của Hancorp đang bết bát, thua lỗ, đủ mọi thể loại sai phạm mà kết luận của Kiếm toán Nhà nước (KTNN) mới đây chỉ ra nhiều sai phạm về đất đai, tài chính của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), kiến nghị doanh nghiệp nộp bổ sung gần 200 tỷ đồng là minnh chứng rõ ràng nhất.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, thời điểm hiện tại, không ai dám bỏ nghìn tỷ ra để mua về cục nợ, thậm còn có nguy cơ mất luôn cả vốn. Chưa kể, cơ chế quản lý của Hancorp cũng đang tồn tại vấn đề chưa rõ ràng, không hẳn ra là doanh nghiệp cổ phần để các cổ đông, chủ sở hữu được toàn quyền chi phối doanh nghiệp.

Nhà đầu tư mua về nhưng có khả năng không được làm theo ý mình, trong khi tình hình kinh doanh đang bi đát, tất cả những lý do đó làm cho việc bán cổ phần Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) khó có thể thực hiện được, và việc thoái vốn nhà nước của Bộ Xây dựng tại doanh nghiệp này còn rất lâu.

"Vì thế cho nên, câu chuyện này có lẽ là câu chuyện đề ra để cho vui, để cho dư luận thấy tôi cũng muốn thoái vốn nhà nước, cũng muốn bán cổ phần dứt điểm cho xong nhưng vẫn chưa được. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào vấn đề sẽ thấy, các doanh nghiệp thoái vốn thành công phải thu hút được người mua, ở khía cạnh này Hancorp không làm được", ông Thịnh nhận định.

Cần thay đổi cơ chế quản lý tại Tổng công ty xây dựng Hà Nội

Đề xuất tới giải pháp tháo gỡ vướng mắc này, ông Thịnh cho rằng, Bộ Xây dựng cần thay đổi cơ chế quản lý ở doanh nghiệp mang tính thị trường, các cổ đông phải quyết định được.

Đồng thời, nhà nước, Bộ, ngành cần chỉ đạo xuống tháo gỡ những vướng mắc cụ thể giúp  tình hình kinh doanh khả lên, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, mong chờ thời điểm nền kinh tế khởi sắc sau khi bị tác động của dịch Covid-19.

Vì sao Bộ Xây dựng mãi vẫn không "thoái vốn" khỏi Hancorp? - Ảnh 3.

Bộ Xây dựng loay hoay với bài toán thoái hoá vốn Hancorp

Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) được thành lập năm 1982 theo quyết định số 324/BXD-TCCB của Bộ Xây dựng. Với bề dày 55 năm, Hancorp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây lắp các công trình công cộng, văn hóa, dân dụng và công nghiệp,…

Năm 2014, Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) tổ chức thành công đại hội cổ đông lần thứ nhất, chính thức chuyển đổi hình thức sang công ty cổ phần. Cổ phiếu HAN lên sàn UPCoM vào năm 2016 với giá tham chiếu là 12.500 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2020, doanh thu của Hancorp giảm 8% so với cùng kỳ, xuống còn 831 tỷ đồng và lãi sau thuế cũng giảm 49%, ghi nhận hơn 2 tỷ đồng. Theo Hancorp, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dẫn đến kết quả kinh doanh của một số công ty con bị ảnh hưởng đáng kể.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem