Vì sao khó tăng lương tối thiểu từ 1/1/2024?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 24/10/2023 15:47 PM (GMT+7)
Bức tranh kinh tế ngày càng ảm đạm, dù thống kê tiền lương của người lao động năm 2023 có tăng so với năm 2022 nhưng nhìn chung vẫn không đủ bù trượt giá, đảm bảo khả năng chi tiêu. Bởi vậy, lao động đang rất khát được tăng lương tối thiểu vùng.
Bình luận 0


Công nhân khát khao được tăng lương cuối năm 2023 đầu năm 2024

Nhiều tháng nay, vật giá leo thang khiến người lao động phải chi tiêu tiết kiệm. Trước tình hình đó, công nhân, lao động rất mong được tăng lương tối thiểu vùng. 

Như chị Nguyễn Thị Chi, 34 tuổi (Công nhân công ty Điện tử Nhật Bản) tại Đông Anh, Hà Nội, nhiều tháng nay thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng. Trước đây trung bình mỗi tháng tiền lương của chị Chi được khoảng 14-15 triệu đồng/tháng, nay thì giảm chỉ còn 7-8 triệu đồng/ tháng. Tiền lương thấp, khiến cho cuộc sống của vợ chồng chị cùng 2 đứa con tuổi ăn học gặp nhiều khó khăn.

“Giá cả gì cũng tăng, 1 mớ rau cũng 10-15 nghìn đồng, chưa kể thịt cá, thực phẩm… khác đều tăng đôi chút. Tổng chi tiêu, tiền nhà, tiền ăn, tiền học… một tháng của 4 người trong gia đình tôi không dưới 17 triệu đồng. Đấy là tôi đã rất tiết kiệm rồi đấy.  Thực sự, nếu lương không tăng cuộc sống của vợ chồng tôi rất áp lực”, chị Chi chia sẻ.

tăng lương tối thiểu vùng

Chị Chi mong sớm được tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: N.T

Khó khăn, nỗi lo chồng chất khi chỉ còn 2-3 tháng nữa là tới Tết. Nếu tiền lương không tăng thì Tết nhiều lao động cũng không dám về quê.

Vật giá ngày càng leo thang khiến người lao động vốn phải gói ghém nay càng thắt chặt chi tiêu hơn. Trước tình hình đó, họ mong chờ việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là trước Tết để kịp được hưởng nhiều lợi ích.

Chi tiêu tiết kiệm, chỉ dám mua những thứ thật cần thiết là điều mà nhiều gia đình, công nhân, lao động hiện nay đang phải đối mặt. Nhiều công nhân, lao động mong muốn Nhà nước sớm có chính sách cải cách tiền lương, tăng lương để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Mong là vậy, nhưng thực tế cũng không mấy sáng sủa khi việc cải cách tiền lương phải tới giữa năm 2024 mới bắt đầu triển khai, còn tăng lương tối thiểu thì cũng chưa thể tăng ngay vì theo các bên nói “kinh tế còn nhiều khó khăn”.

Cải cách tiền lương không tác động nhiều tới lương tối thiểu

Trao đổi bên lề cuộc họp báo mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI cho biết, Hội đồng tiền lương đã thống nhất lùi thời điểm bàn tăng lương tối thiểu vùng vào cuối năm nay (năm 2024). Nhiều khả năng vào tháng 11 và tháng 12 này sẽ nhóm họp lại. Bởi vậy nhiều khả năng việc tăng lương tối thiểu vùng vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ không thành hiện thực.

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng từ 180.000 - 260.000 đồng so với trước đó tùy theo vùng lương.

Hiện mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.

“Tăng lương tối thiểu vùng không phụ thuộc vào cải cách tiền lương. Việc tăng lương tối thiểu vùng được định sẵn trong luật lao động, được thực hiện định kỳ. Mục tiêu để tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động”, ông Phòng nói.

Ông Phòng cũng cho biết thêm, việc tăng lương tối thiểu vùng phụ thuộc vào việc đàm phán tăng lương của nhiều bên: Người lao động; người sử dụng lao động; cơ quan quản lý nhà nước là Bộ LĐTBXH (do Hội đồng tiền lương) làm chủ bàn bạc thống nhất. Nguồn tăng lương tối thiểu là nguồn tiền từ doanh nghiệp, do vậy, nếu doanh nghiệp khó khăn thì cũng không có nguồn để tăng lương tối thiểu vùng.

Trước đó, trả lời PV báo Dân việt, ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cũng cho biết phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến vào cuối tháng 11/2023. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể không kịp thực hiện từ 1/1/2024.

tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ với PV Báo Dân Việt, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ được quyết định vào cuối năm 2024. Ảnh: N.T

Ông Lai cũng cho biết, vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung, Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định tạm thời chưa chốt thời gian phiên họp thứ 2 để bàn lương tối thiểu vùng năm 2024.

Việc lùi chương trình làm việc của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để các bên có đánh giá rõ hơn tình hình thị trường lao động, việc làm và sự phục hồi của doanh nghiệp trước khi đưa ra khuyến nghị Chính phủ một phương án cụ thể.

"Dù kinh tế quý đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng tình hình kinh tế xã hội, an ninh toàn cầu, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta. Do đó, chúng tôi sẽ họp lại để Hội đồng để trình lên Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu cho năm 2024 vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2023" - ông Tống Văn Lai chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cũng thông tin thêm, với những lần tăng lương tối thiểu trước đều vào ngày 1/1 hàng năm. Chỉ riêng năm 2022, việc này được thực hiện vào 1/7.

Ông Tống Văn Lai nhấn mạnh: "Quý IV, Hội đồng mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào 1/1/2024. Thời điểm tăng lương tối thiểu, Hội đồng cũng chưa thể xác định được".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem