Chính phủ đã tiết kiệm khoản kinh phí lớn để cải cách tiền lương, từ 2025, tăng lương bình quân 7%/năm

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 23/10/2023 11:35 AM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026.
Bình luận 0

Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Chính phủ đã tiết kiệm khoản kinh phí lớn để cải cách tiền lương, từ 2025, tăng lương bình quân 7%/năm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Ảnh: QH

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt phấn đấu vượt dự toán được giao; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo nghị quyết của Quốc hội.

"Đặc biệt, những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch Covid-19, nhưng đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi và trích lập được trên 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương để tăng lương cho 3 năm 2024 - 2026", Thủ tướng cho biết. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024; đồng thời tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 01/7/2024.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, lần điều chỉnh tiền lương lần này mang tính chất cải cách, không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập mà theo Nghị quyết 27 cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức.

"Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… phải có biện pháp xử lý. Thậm chí, với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. Cái này phải làm, chứ không chỉ cải cách tiền lương không", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem