Vì sao nhiều doanh nghiệp, nông dân chọn tỉnh Bình Thuận là nơi xuống tiền cho "cuộc chơi" nông nghiệp công nghệ cao?

Thứ ba, ngày 26/01/2021 09:14 AM (GMT+7)
Nông nghiệp công nghệ cao là “từ khóa” không còn xa lạ với người làm nông nghiệp tại Bình Thuận. Bởi trong những năm qua đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất năng động và dám nghĩ, dám làm đầu tư vào lĩnh vực này.
Bình luận 0

Công nghệ cao, trí tuệ cộng với nghị lực đã từng bước chinh phục những vùng đất khó của tỉnh Bình Thuận. Ðây là điểm nhấn, tạo đột phá cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Ðam mê để hình thành nông nghiệp công nghệ cao

Là một người trẻ, anh Nguyễn Ngọc Điền (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) “dấn thân” vào nông nghiệp công nghệ cao với mô hình trồng dâu tây công nghệ cao Aquaponics trên diện tích 500 m2 tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc khoảng 1 năm nay. 

Vì sao nhiều doanh nghiệp, nông dân chọn tỉnh Bình Thuận là nơi xuống tiền cho "cuộc chơi" nông nghiệp công nghệ cao? - Ảnh 1.

Mô hình dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận.

Anh Điền cho biết: Với đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, để từ đó tạo ta những sản phẩm có năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất nên sau khi học xong ngành công nghệ sinh học tại T . Hồ Chính Minh anh đã mạnh dạn tìm hiểu về những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, đầu năm 2020, anh quyết định đầu tư mô hình dâu tây công nghệ cao này.

Thăm khu vườn, ít ai trong chúng tôi nghĩ rằng với thời tiết nắng nóng như tỉnh Bình Thuận lại có thể trồng thành công mô hình này và cho vị ngon thơm đặc trưng của bản địa. Bởi xưa nay, nhắc đến dâu tây người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất Đà Lạt. 

Chỉ cho chúng tôi xem những cây dâu đang đơm nhiều hoa và trái, anh Điền cho biết, để có được thành công như ngày hôm nay, anh đã không ít lần thất bại thế nhưng với quyết tâm thực hiện đến cùng, thời điểm này anh đã bắt đầu thu về trái ngọt. 

“Hiện nay ở tỉnh Bình Thuận, tôi là người đầu tiên trồng dâu tây và thực hiện theo công nghệ Aquaponics. Đây là sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Có nghĩa là, nuôi cá và trồng dâu tây trong cùng hệ thống tuần hoàn, vi khuẩn có lợi biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng, sau đó, nước được lọc sạch và cung cấp trở lại cho bể cá...", anh Điền cho hay.

"Đây là cách thức sản xuất hữu cơ hiện đại, cộng sinh khép kín, tạo môi trường trong lành, giúp chủ động nguồn thực phẩm an toàn. Hiện tại, tôi đăng ký canh tác dâu tây theo tiêu chuẩn VietGap để được cấp giấy thông hành đưa sản phẩm vào thị trường phân khúc tầm trung và cao cấp cung ứng cho khách hàng ưa chuộng thực phẩm an toàn”, anh Điền chia sẻ thêm.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã chọn tỉnh Bình Thuận để xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như, mô hình trồng Nho Nhật trên vùng đất cát và gió của Khu Lê - huyện Bắc Bình; Trang trại chăn nuôi gà TaFa Việt có công nghệ hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á ở xã Trà Tân, huyện Đức Linh…

Đặc biệt năm 2017, mô hình dưa lưới trồng theo phương thức nông nghiệp công nghệ cao lần đầu có mặt ở vùng đất thiếu mưa, thừa nắng của xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. 

Khi ấy, mô hình này chỉ có 2 nhà màng với diện tích canh tác khoảng 4.000 m2. Ấy vậy mà đến thời điểm này mô hình dưa lưới công nghệ cao ở nơi đây đã lên đến 30 hecta. 

Nhông những thế vùng trồng dưa lưới công nghệ cao cũng đã được mở rộng đến các địa phương lân cận như Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh...

Công nghệ, trí tuệ và tâm huyết của những con người đam mê mãnh liệt với nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại sức sống mới cho vùng đất nhiều tiềm năng.

Nông nghiệp công nghệ cao-Trợ lực của chính quyền địa phương

Năm 2017 tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Từ đó, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo “dòng chảy” vào tỉnh tạo nên những bước chuyển biến khởi sắc.

Vì sao nhiều doanh nghiệp, nông dân chọn tỉnh Bình Thuận là nơi xuống tiền cho "cuộc chơi" nông nghiệp công nghệ cao? - Ảnh 4.

Mô hình dâu tây công nghệ cao Aquaponics của anh cử nhân công nghệ sinh học Nguyễn Ngọc Điền (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã phê duyệt đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng, công nghệ cao, bắt đầu đi vào hoạt động trong khoảng đầu năm 2019. 

Các loại hình sản xuất công nghệ cao áp dụng gồm: thanh long ruột trắng, vàng, đỏ và lai tạo các giống mới; dưa lưới, nha đam (lô hội), nho, tỏi, măng tây, rau màu có giá trị kinh tế, bụt giấm (cây dược liệu)… 

Đây là dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, khi hình thành có ý nghĩa quan trọng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận, tạo sự lan tỏa đến nhân dân, các thành phần khác và các vùng trong tỉnh phát triển. 

Theo đó, dự án cũng đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trên vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình như: Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Minh với mô hình trồng thanh long leo giàn, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và một số loại cây trồng khác với diện tích trên 100 ha…

Để có được sự “hữu xạ tự nhiên hương” trong việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận, những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như: Tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Bình Thuận đi sau so với một số tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên đến thời điểm này đã tạo được những dấu ấn đậm nét trên cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. 

Thực tế trên đã khẳng định một điều, khi chính quyền địa phương quyết tâm và có chính sách thông thoáng gợi mở thì không chỉ doanh nghiệp ngoài tỉnh mà ngay người dân trên địa bàn tỉnh cũng sẽ đầu tư, hợp tác bởi Bình Thuận vẫn là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Có như vậy, tỉnh Bình Thuận mới thực hiện hiệu quả mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt từ 6 - 7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.


Ngọc Diệp (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem