Vì sao tổng tài sản nhiều ngân hàng bỗng dưng giảm mạnh trong mùa Covid-19?
Vì sao tổng tài sản nhiều ngân hàng bỗng dưng giảm mạnh trong mùa Covid-19?
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 20/08/2020 16:01 PM (GMT+7)
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng (NH) đang phải tung ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ nền kinh tế. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn hoạt động, các nhà băng đã rút mạnh tiền về, tự cân đối thanh khoản và nguồn tiền.
Hoạt động rút tiền mạnh mẽ từ các NH được thể hiện rõ nét tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Theo BCTC quý 2 vừa được công bố, khoản tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tại NCB đã giảm từ mức 11,5 nghìn tỷ đồng xuống còn 828 tỷ đồng, giảm tới 93% so với thời điểm hồi cuối năm 2019.
Trong khi đó, tính đến hết quý 2, khoản tiền gửi khách hàng tại NCB chỉ tăng khoảng 3 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 3%) so với hồi cuối năm 2019, từ 59,09 nghìn tỷ đồng lên tới 62,06 nghìn tỷ đồng.
Để bù đắp nguồn vốn, NCB cũng phải rút tiền, vàng gửi tại các NH khác về. Vì thế, khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác trên BCTC của NCB đã giảm gần 11 nghìn tỷ đồng, từ 14,4 nghìn tỷ đồng xuống còn 3,4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của NCB, theo đó cũng giảm 11% so với đầu năm, từ con số 80,39 nghìn tỷ đồng xuống 71,38 nghìn tỷ đồng.
Đây cũng là nhà băng xếp thứ 2 trong danh sách các NH có tỷ lệ tổng tài sản sụt giảm mạnh nhất sau 6 tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, xếp thứ nhất trong danh sách các nhà băng có tỷ lệ tổng tài sản giảm sau 6 tháng đầu năm là Eximbank. Báo cáo tài chính quý 2/2020 của Eximbank cho thấy, tổng tài sản của NH tính tới ngày 30/6 chỉ đạt hơn 147,31 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 20 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019 (tổng tài sản của Eximbank thời điểm cuối năm 2019 là 167,53 nghìn tỷ đồng).
Tài sản của Eximbank giảm mạnh là hệ lụy từ việc NH bị rút vốn trong nửa đầu năm. Cụ thể, tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng hơn 14,71 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 10,6%), từ mức 139,27 nghìn tỷ đồng xuống còn 124,56 nghìn tỷ đồng.
Không những chỉ người gửi rút tiền, các NH khác cũng rút mạnh tiền khỏi Eximbank khi giá trị tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác ghi nhận thời điểm cuối quý 2 giảm gần 6 nghìn tỷ đồng, từ mức 8 nghìn tỷ đồng xuống còn 2,3 nghìn tỷ đồng.
Tình trạng khách hàng rút tiền mạnh khỏi Eximbank (gần 15 nghìn tỷ đồng) không khá khó hiểu, bởi lẽ đến thời điểm này, tăng trưởng của Eximbank gần như trở nên yếu nhất trong hệ thống các TCTD bởi tình trạng mâu thuẫn nội bộ vẫn chưa tới hồi kết. Nhiều lần, nhà băng này đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (kéo dài từ năm 2019 đến nay) nhưng vẫn không thành công, trong khi những "lùm xùm" về việc mất tiền khách hàng (trường hợp mất hàng trăm tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình) khiến uy tín của nhà băng này vẫn chưa được vãn hồi.
Để cân đối, trong kỳ Eximbank cũng phải rút về hơn 10 nghìn tỷ đồng tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác.
Xếp thứ 3 trong danh sách là SaigonBank. Tổng tài sản tính đến hết quý 2 của nhà băng này giảm từ 22,81 nghìn tỷ đồng hồi cuối năm 2019 xuống còn 20,56 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm tới 9,8%. Tuy nhiên, khoản tiền gửi khách hàng tính hết quý 2 lại tăng nhẹ dù không đáng kể, chỉ tăng từ 15,66 nghìn tỷ đồng lên 15,98 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 2%.
Xếp thứ 4 trong danh sách các nhà băng có tổng tài sản giảm là ABBank. BCTC quý 2 cho thấy, tổng tài sản của nhà băng này cũng giảm 7 nghìn tỷ đồng, từ mức 102,55 nghìntỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 95,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm tỷ lệ 6,8%.
Trong khi huy động khi tiền gửi của khách hàng gần như dậm chân tại chỗ so với thời điểm đầu năm, đạt 69,9 nghìn tỷ đồng (chỉ tăng 330 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 0,5%), ABBank còn phải đối mặt với tình trạng rút vốn mạnh của các NH khác.
Cụ thể, ABBank ghi nhận khoản vay các tổ chức tín dụng khác của NH giảm 6 nghìn tỷ đồng, từ mức 8,2 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 2,2 nghìn tỷ đồng thời điểm cuối quý 2. Cùng với đó, phát hành giấy tờ có giá của NH cũng giảm gần 4 nghìn tỷ đồng, từ mức 5,2 nghìn tỷ đồng xuống còn 1,4 nghìn tỷ đồng.
Để cân đối, ABBank đã phải rút bớt tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác về. Khoản mục này ghi nhận đạt 15,2 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 2, giảm hơn 2,6 nghìn tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
STT
Ngân hàng
Tổng Tài sản (tỷ đồng)
Tiền gửi khách hàng (tỷ đồng)
30/6/2020
31/12/2019
% thay đổi
30/6/2020
31/12/2019
% thay đổi
1
Agribank
1.460.000
1.452.380
0,5%
2
BIDV
1.446.354
1.489.957
-2,9%
1.131.518
1.114.162
1,6%
3
Vietinbank
1.239.557
1.240.711
-0,1%
913.320
892.785
2,3%
4
Vietcombank
1.185.262
1.222.719
-3,1%
981.128
928.451
5,7%
5
SCB
598.412
567.913
5,4%
528.720
438.287
20,6%
6
Sacombank
418.898
453.581
6,2%
426.236
400.844
6,3%
7
MB
421.636
411.488
2,5%
257.379
272.710
-6,5%
8
VPBank
399.473
377.204
5,9%
236.776
213.949
10,7%
9
ACB
396.760
383.514
3,5%
330.551
308.129
7,3%
10
Techcombank
395.861
383.699
3,2%
249.857
231.297
8%
11
SHB
391.410
365.254
7,2%
279.504
259.237
7,8%
12
HDBank
242.445
229.477
5,7%
149.805
126.019
18,9%
13
LienVietPostBank
213.729
202.058
5,8%
143.918
136.847
5,2%
14
VIB
202.307
184.531
9,6%
127.953
122.357
4,6%
15
TPBank
181.340
164.439
10,3%
96.214
92.439
4,1%
16
MSB
164.740
156.978
4,9%
83.191
80.872
2,9%
17
SeABank
161.540
157.398
2,6%
100.233
95.727
4,7%
18
Eximbank
147.315
167.538
-12,1%
124.566
139.278
-10,6%
19
OCB
124.398
118.160
5,3%
75.264
69.142
8,9%
20
BacABank
110.928
107.890
2,8%
84.278
76.163
10,7%
21
NamABank
105.713
94.687
11,6%
83.067
70.744
17,4%
22
ABBank
95.563
102.557
-6,8%
69.904
69.574
0,5%
23
VietABank
77.124
76.446
0,9%
53.514
47.428
12,8%
24
VietBank
76.674
68.928
11,2%
55.433
49.447
12,1%
25
NCB
71.386
80.394
-11,2%
62.065
59.095
5%
26
KienlongBank
55.425
51.102
8,5%
36.349
32.920
10,4%
27
Bản Việt
53.391
51.808
3,1%
37.625
35.218
6,8%
28
PGBank
32.340
31.574
2,4%
27.678
25.388
9%
29
SaigonBank
20.569
22.813
-9,8%
15.982
15.668
2%
Thống kê về tổng tài sản và tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng - Dựa trên BCTC các ngân hàng trong quý 2/2020 do Dân Việt tự lập).
Tuy không bị sụt giảm tổng tài sản, tuy nhiên MBBank (MB) lại đối diện với tình trạng sụt giảm tiền gửi khách hàng sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, từ con số 272,7 nghìn tỷ đồng tiền gửi khách hàng hồi cuối năm 2019, đến nay khoản này chỉ còn 257,37 nghìn tỷ đồng, giảm tỷ lệ khoảng 6,5%.
Tình trạng sụt giảm về tổng tài sản cũng xảy ra tại 3 trong 4 ngân hàng thuộc nhóm BIG4 là BIDV, Vietinbank và Vietcombank.
Cụ thể, giảm mạnh nhất là Vietcombank, từ 1.222.719 tỷ đồng hồi cuối năm 2019 xuống còn 1.185.262 tỷ đồng hồi cuối quý 2/2020, tương ứng với tỷ lệ sụt giảm tổng tài sản là 3,1%. Kế đến là BIDV, tổng tài sản của nhà băng này cũng sụt giảm khoảng 2,9%, từ mức 1.489.957 tỷ đồng xuống còn 1.446.354 tỷ đồng.
Còn tại Vietinbank, tổng tài sản của nhà băng này tính đến hết quý 2/2020 chỉ giảm nhẹ khoảng 0,1%, từ mức 1.240.711 tỷ đồng xuống còn 1.239.557 tỷ đồng.
Việc 3 nhà băng nhóm BIG4 giảm tài sản được lý giải là do Kho bạc Nhà nước đã rút tổng cộng gần 189 nghìn tỷ đồng tiền gửi thanh toán và có kỳ hạn tại 3 nhà băng trên.
Hoạt động này của Kho bạc Nhà nước nhằm đáp ứng quy định mới tại Thông tư 58/2019 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/11/2019. Với quy định này, nếu như trước đây Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng tiền để giải ngân có thể gửi tại các ngân hàng thương mại thì từ nay đến cuối năm sẽ phải thu hồi về và gửi tại tài khoản đặt ở Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.